Phát triển ngành công nghiệp môi trường: Khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường

Sáng ngày 7/10/2014, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp và Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo, triển lãm quốc gia về sản phẩm công nghiệp

Ngày 20/7/2009, tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi tường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2025" với mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp có đủ khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường, nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Hội thảo, triển lãm quốc gia về sản phẩm công nghiệp môi trường trong ngành Công Thương

Hội thảo nhằm mục đích tổng kết, rà soát, đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đây cũng là sự kiện tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật, dịch vụ và công nghệ môi trường; quảng bá sản phẩm tiếp cận khách hàng và mở rộng hợp tác kinh doanh, nhằm tạo dấu ấn và vị thế riêng của lĩnh vực đang được Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, những năm qua, các đơn vị trong Ngành đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ môi trường. Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi về công nghệ hay và sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn, những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả. Những phương thức quản lý, các công nghệ xử lý ô nhiễm tiên tiến trong và ngoài nước cũng được giới thiệu tại Hội thảo, triển lãm, hứa hẹn sẽ mang đến những sản phẩm công nghệ mới, giúp công chúng có được cái nhìn tổng quan về các biện pháp bảo vệ môi trường tại Việt Nam và trên thế giới.


Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp môi trường đã nêu ra vai trò của các Hội, Hiệp hội ngành nghề trong phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng như một số kinh nghiệm từ vấn đề phát triển công nghiệp môi trường trên thế giới đã được đưa ra thảo luận.

TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường cho rằng, để đạt được mục tiêu đến đến năm 2025, phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, có khả năng giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thì ngành công nghiệp môi trường phải có sự hợp tác chặt chẽ với các Hội, Hiệp hội ngành nghề để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong hoạt động, hướng tới sự phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.

TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường

Công bố tại Hội thảo, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, hiện nay lĩnh vực xử lý khí thải chưa phát triển. Việt Nam chưa đủ điều kiện chín muồi trong việc phát triển ngành công nghiệp thu giữ các bon (CCS) do chưa có sự chuẩn bị cần thiết hạ tầng lưu trữ, phát triển nguồn nhân lực. Sản xuất chế tạo thiết bị công nghệ môi trường mặc dù khởi sắc trong những năm gần đây, tự chế tạo được một số lò đốt, dây chuyền phân loại, tuy nhiên, do thị trường nhỏ hẹp vì thế chưa phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Dương Đình Giám cũng khẳng định, qua nghiên cứu cho thấy một xu hướng các doanh nghiệp đăng kí lĩnh vực môi trường vẫn gia tăng theo thời gian trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp đang hoạt động thì mở thêm lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp mới hình thành ngày càng mang tính chuyên môn hóa hơn, chuyên nghiệp, đa dạng với các loại hình công ty, phương thức cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu thị trường.