Phát triển nhóm ngành có lợi thế, Phú Thọ mở rộng cửa thu hút đầu tư

Năm 2014 qua đi với nhiều khó khăn, thách thức, song CBCNVC ngành Công Thương Phú Thọ đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan, tìm mọi giải pháp tháo gỡ k

Chung sức phát triển sản xuất

Phú Thọ có 7 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào danh mục các khu công nghiệp tập trung đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, gồm: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Tam Nông, Phù Ninh, Cẩm Khê và Hạ Hòa. Hiện nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp tập trung là Thụy Vân và Trung Hà, thu hút trên 100 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10 ngàn tỷ đồng, chủ yếu trong các lĩnh vực: cơ khí; điện tử; dệt may; chế biến lâm, nông sản; vật liệu xây dựng.v.v... Cùng với 25 cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 105 dự án đầu tư, với tổng số vốn trên 4.100 tỷ đồng và 60 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân.

Được các doanh nghiệp chung sức nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, tăng cường tìm kiếm thị trường,... nên trong năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) của tỉnh ước đạt xấp xỉ 38 ngàn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2013, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%. Mức lưu thông và tiêu thụ hàng hoá trên thị trường diễn ra khá sôi động, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân cơ bản được ổn định. Sở Công Thương Phú Thọ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương và giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi gian lận thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Những việc làm đó đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện khoảng 19 ngàn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2013; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4%, (thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước là 4,09%); kim ngạch xuất khẩu đạt 696,6 triệu USD, vượt kế hoạch 7% và tăng 15,8% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu đạt 689,6 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ và đạt 103,6% kế hoạch năm.


Đổi mới và tăng trưởng

Với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng cường các hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa, ngành Công Thương Phú Thọ phấn đấu năm 2015: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 41 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện khoảng 22 ngàn tỷ đồng, tăng 16,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 755 triệu USD, tăng 8,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 745 triệu USD, tăng 8% so với năm 2014.

May mặc là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Phú Thọ

CBCNVC ngành Công Thương Phú Thọ đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm 2015, đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với sản xuất công nghiệp: Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư từ nước ngoài đến Phú Thọ làm ăn, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng các làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao; đồng thời thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển công nghiệp nông thôn, quan tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng đẩy mạnh phát triển các nhóm ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: sản xuất chế biến chè, bia, xi măng, phân bón, plastic, dệt may, giày thể thao, mì chính, nhôm định hình, vật liệu xây dựng, cơ khí điện tử, công nghiệp phụ trợ,...

Tiếp tục cải tiến công tác quản lý và đổi mới công nghệ, thiết bị, Công Thương Phú Thọ tăng cường tìm đối tác chiến lược trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để liên doanh liên kết...; huy động tối đa các nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với hoạt động thương mại, thị trường: Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động và linh hoạt áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường phù hợp, đảm bảo sản xuất phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát. Cùng với việc đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý các đơn vị kinh doanh đầu cơ, tích trữ găm hàng, tự tăng cao giá bán để thu lợi. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu và không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tiếp tục cải tiến và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh Phú Thọ năm 2015, nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường.