Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngành thương mại điện tử và kinh tế số cần được nghiên cứu toàn diện và kiểm tra cụ thể hiệu quả của việc ứng dụng thực tiễn trong từng ngành hàng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐTVKTS) - Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có những nhận định khả quan về tiềm năng thị trường thương mại điện tử và những chỉ đạo cụ thể về hoạt động của Cục TMĐTVKTS trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐTVKTS cho rằng, thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là trụ cột chính của nền kinh tế internet và kinh tế số tại châu Á nói riêng và thế giới nói chung, tạo động lực lớn cho sự phát triển thương mại và kinh tế.
Cục trưởng Đặng Hoàng Hải phát biểu báo cáo Tổng kết năm 2017 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2018Tại Việt Nam, TMĐT có bước phát triển đột phá trong thời kỳ 2016-2020. Doanh số TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 10 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng gấp 2 lần so với mức 5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại Việt Nam dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành TMĐT và kinh tế số (KTS). Tuy nhiên, 2 ngành này vẫn còn là khái niệm mới ở Việt Nam, dẫn đến việc quản lý và triển khai kế hoạch phát triển còn chưa đạt hiệu quả tối đa.
Trước thực trạng đó, Cục TMĐTVKTS đã tập trung rà soát hành lang pháp lý để hoàn thiện nhanh chóng các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với tốc độ đó. Theo báo cáo của Cục trưởng Đặng Hoàng Hải, Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2017 - sự kiện thường niên lớn nhất về TMĐT do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức đã đạt được thành công rực rỡ với những con số ấn tượng như 97.000 sản phẩm của 3.000 doanh nghiệp tham gia sự kiện, tổng giá trị hàng hoá giao dịch 1.549 tỷ đồng với 1,3 triệu đơn hàng. Đặc biệt, Online Friday 2017 đem lại cho người tiêu dùng cơ hội trải nghiệm những tiện ích mới của TMĐT như công nghệ QR code, công nghệ thanh toán di động,… Đây là bước tiến đáng kể của ngành TMĐT, tiến gần hơn với những nền tảng hiện đại mới trên thế giới.
Bên cạnh đó, Cục TMĐTVKTS cũng tập trung xây dựng đề án phát triển kinh tế số và triển khai Chương trình phát triển TMĐT cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cùng với các hoạt động hợp tác quốc tế, tạo động lực thúc đẩy TMĐT Việt Nam.
Cục trưởng cho rằng, năm 2017 cũng chứng kiến sự nỗ lực của Cục trong việc xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Cổng dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp, liên kết chặt chẽ với các Vụ, Cục trong Bộ cũng như các bộ, ngành Trung ương và địa phương nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghịBộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Cục TMĐTVKTS đã hoàn thành rất tốt vai trò là đơn vị tham mưu chính sách, nghiên cứu và triển khai phát triển ngành TMĐT và KTS. Cục cùng các đơn vị trong Bộ đã tích cực tham gia đóng góp trong việc phát triển hạ tầng TMĐT, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Cục TMĐTVKTS sẽ tiếp tục giữ trách nhiệm lớn lao là đi đầu, tiên phong như hiện tại, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương và địa phương trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới TMĐT và KTS trong bối cảnh công nghiệp phát triển nhanh chóng và có sức lan toả mạnh mẽ.
Bộ trưởng cho rằng, thị trường TMĐT có tiềm năng lớn với dung lượng và tốc độ phát triển cao. TMĐT có vai trò quan trọng trong tất cả các ngành kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn tồn tại nhiều thách thức trong việc phát triển ngành TMĐT. Năng lực cạnh tranh sản phẩm còn hạn chế, trình độ khoa học công nghệ chưa cao dẫn đến việc khả năng xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế chưa hiệu quả.
Bài toán mà Bộ trưởng đặt ra cho TMĐT Việt Nam năm 2018 chính là làm sao để ứng dụng TMĐT vào thực tiễn có hiệu quả nhất, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thách thức cao như vậy?
Năm 2017, ngành Dệt may đạt 33 tỷ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong tổng số 214 tỷ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Ngành da giầy cũng là một ngành thu hút nhiều lao động và góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế. Các doanh nghiệp ngành hàng này nói riêng và các ngành hàng khác nói chung đều cần có sự định hướng, giúp đỡ của các cấp chính quyền trong việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử.
Bởi vậy, cách thức tổ chức thực hiện các dự án liên quan tới TMĐT và KTS không chỉ hướng đến việc thành công trên các số liệu mà còn cần tìm kiếm hiệu quả gắn liền với việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cho các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành hàng, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam vững mạnh và có khả năng thâm nhập rộng rãi trên trường quốc tế. Việc ứng dụng TMĐT trong quản lý hành chính cũng cần được rà soát chặt chẽ nhằm đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân trong thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong năm 2018, dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 lên nhiều ngành kinh tế, Cục TMĐTVKTS cần chủ động đưa ra những đánh giá trực tiếp và dài hạn, xây dựng khung chính sách và đối sách cho kịch bản tăng trưởng nhằm xác định chiến lược để tái cơ cấu kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu sâu về KTS từ thực tiễn phát triển của thế giới và tác động của sự phát triển đó đối với Việt Nam; nghiên cứu về hợp tác quốc tế để đưa ra bức tranh tổng thể đặt trong bối cảnh chung là sự vận động không ngừng của khoa học công nghệ quốc tế.
Năm 2018, Bộ Công Thương đặc biệt sẽ phối hợp với một số cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra những chương trình phát triển TMĐT và KTS cũng như đào tạo nguồn lực cho hai ngành này. Song song với đó, Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác với các hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết bài toán phát triển TMĐT trong thực tiễn.