Theo phân công tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Bộ Công Thương đã tiếp nhận và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan theo quy định về quản lý giá.
Để hướng dẫn cụ thể việc triển khai quy định về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong toàn ngành công thương, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Trong quá trình xây dựng Thông tư, chúng tôi đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đánh giá việc triển khai công tác này trong thời gian qua; Dựa trên quan điểm quản lý mặt hàng nhưng vẫn tôn trọng quyền của doanh nghiệp, tôn trọng các quy luật của thị trường, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh cho doanh nghiệp; Tập trung vào mục tiêu chính trong định hướng quản lý là bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp từ đó để đưa ra định hướng quản lý giá đối với sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Theo đó, định hướng này đã được cụ thể hóa trong các quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, so với các quy định trước đây, Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương có sự đổi mới:
- Tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán này.
- Tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa do đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đã quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối đặc biệt như đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này.
- Bên cạnh việc quản lý giá bán của hàng hóa, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.
- Trong phạm vi điều chỉnh giá bán với biên độ nhỏ (dưới 05%) chúng tôi vẫn để doanh nghiệp được giữ quyền chủ động về việc thay đổi giá nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc doanh nghiệp gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước theo phân cấp để các cơ quan này nắm được thông tin đầy đủ, liên tục đối với giá hàng hóa.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước hy vọng, trong thời gian tới, giá các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được thực hiện theo đúng quy định nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, khuyến khích các doanh nghiệp đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng tốt nhất, giá hợp lý nhất.
Ông Matthew Garland, Đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham nhấn mạnh: Thông tư 08 đề ra một hướng quản lý mới, theo đó, tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham hoan nghênh cách tiếp cận mới này và hi vọng rằng nó sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý của nhà nước, đó là, đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường. Đây là một bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh Việt nam đang tích cực vận động để Liên minh châu Âu công nhận Việt nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Trong thời gian triển khai Thông tư 08 sắp tới, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý để thực hiện Thông tư này. Một thị trường cạnh tranh lành mạnh và môi trường pháp lý minh bạch, ổn định sẽ là những yếu tố then chốt để các doanh nghiệp trong Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham tiếp tục mang đến cho trẻ em và người dân Việt Nam những sản phẩm dinh dưỡng đa dạng và chất lượng cao, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.