Sau khi trực tiếp thị sát, kiểm tra thực địa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Chủ đầu tư dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công và các chuyên gia.
Theo báo cáo của EVN, công trình xây dựng cấp đặc biệt này được khởi công từ ngày 10/1/2021, là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh, nâng cao khả năng điều tần, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Công trình có công suất thiết kế 480MW, được xây dựng trong địa phận thành phố Hòa Bình, sử dụng chung hồ chứa đập dâng, đập tràn với công trình Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Cho đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành đắp đê quây thượng lưu, đang triển khai thi công đào hố móng nhà máy, đào hầm phụ phục vụ thi công hầm dẫn nước, đào hố móng cửa nhận nước,..., với tổng khối lượng đào đạt khoảng 1,63 triệu m3/3,55 triệu m3 theo thiết kế, cơ bản đáp ứng mục tiêu tiến độ đã được phê duyệt.
Về ảnh hưởng của mưa kéo dài từ ngày 10-20/10, EVN báo cáo, tổng lượng mưa tại khu vực đồi Ông Tượng trong thời gian này là 426,8mm. Mưa kéo dài kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, dẫn tới hiện tượng sạt trượt đất đá tại một số điểm gần hố móng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. EVN nhận định, hiện tượng sạt trượt không ảnh hưởng đến an toàn đập chính của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và các công trình hiện hữu quan trọng xung quanh, không làm thiệt hại đến người, thiết bị thi công, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
EVN và các đơn vị trên công trường cam kết sẽ xử lý hiện tượng sạt trượt do ảnh hưởng mưa lũ để đảm bảo an toàn cho công trường và các công trình quan trọng xung quanh, tiếp tục theo dõi để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tiến độ thi công công trình.
EVN và các đơn vị trên công trường cũng đã đưa ra lời cam kết sẽ thực hiện việc xử lý hiện tượng sạt trượt do ảnh hưởng mưa lũ để đảm bảo an toàn cho công trường và các công trình quan trọng xung quanh, tiếp tục theo dõi để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tiến độ thi công công trình. EVN cũng đề xuất một số giải pháp cần thực hiện ngay như thực hiện thi công xử lý đào, xúc đất đá giảm tải khối sạt, tránh nguy cơ khối sạt lan rộng.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia đánh giá cao tiến độ thi công công trình; cho rằng, hiện tượng sạt trượt hiện tại chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập nhưng nếu không được xử lý đúng, kịp thời, có thể ảnh hưởng đến các công trình quan trọng xung quanh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc sạt lở, dịch chuyển địa tầng địa chất do nhiều nguyên nhân như mưa lớn kéo dài, do yếu tố tự nhiên, nhưng phần nào đó cũng có thể do có ảnh hưởng trong quá trình thi công. Do đó, phải thận trọng, bình tĩnh, nghiên cứu và đánh giá đúng nguyên nhân, không nóng vội trong giải quyết vấn đề bởi thời gian tới sẽ còn phải tiếp tục thi công với khối lượng lớn hơn nhiều lần.
"Các giải pháp phải mang tính dài hơi, trách nhiệm rõ ràng, xử lý đúng thẩm quyền", Phó Thủ tướng chỉ đạo và nêu rõ yêu cầu: Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình Thủy điện Hoà Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình; giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, an toàn cho các công trình trong khu vực, đặc biệt là Tượng đài Bác Hồ (trên đồi Ông Tượng). Trong quá trình thi công, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân. Cần rà soát kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của công trình, an toàn hồ đập Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, cảnh quan văn hóa lịch sử.
Phó Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của các nhà khoa học và các Bộ, ngành, trước mắt tạm dừng thi công trên công trường để đảm bảo an toàn cho công nhân thi công, thực hiện các giải pháp ngăn nước mưa đổ dồn vào khe nét, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng lại toàn bộ quá trình thiết kế, thi công.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện, với sự tham gia của một số Bộ, ngành liên quan khác, tỉnh Hòa Bình và các chuyên gia, nhà khoa học; có thể mời chuyên gia, nhà khoa học Liên bang Nga (trước đây đã giúp nghiên cứu xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình) để nghiên cứu một cách tổng thể, kỹ lưỡng các giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình Thuỷ điện Hoà Bình, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, kiến trúc các công trình trong khu vực.