Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV cần bám sát vào 8 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành cùng 11 nhiệm vụ và giải pháp của Chính Phủ đã đề ra trong năm 2021 để hoàn thành kế hoạch đề ra, cần đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là đủ than cho sản xuất điện.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của Tập đoàn xây dựng các kịch bản phù hợp để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Tập đoàn thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Cụ thể, rà soát lại các ngành nghề, sản phẩm của Tập đoàn để tái cơ cấu phù hợp về công nghệ sản xuất, đầu tư, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực... trên cơ sở xác định các sản phẩm chính của Tập đoàn là than, điện và các sản phẩm khoáng sản khác.
Ngoài ra, TKV tập trung xử lý các tồn đọng về đất đai, đầu tư tài chính trước khi cổ phần hóa Công ty mẹ, đảm bảo tiến độ hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thường xuyên báo cáo với các bộ, ngành về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TKV đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa sâu rộng trong Tập đoàn, đặc biệt phải coi khoa học công nghệ là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của doanh nghiệp và hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất. Bên cạnh đó, đầu tư mở rộng sản xuất, tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động tiêu cực, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, Tập đoàn đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Cụ thể, Tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù của từng đơn vị để phòng, chống dịch hiệu quả và đến nay không có người lao động nào trong TKV bị lây nhiễm dịch COVID-19; không có đơn vị nào phải dừng sản xuất, cách ly do có người nhiễm bệnh. Nhờ phòng chống dịch tốt, TKV có điều kiện để ổn định được SXKD. Tập đoàn đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ SXKD năm 2020 và giai đoạn 2016 – 2020. TKV là một trong số ít các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đạt lợi nhuận kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, thời gian tới Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần phải khắc phục. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nhưng năng lực của Tập đoàn còn hạn chế. Việc tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp, thoái vốn tại một số đơn vị và công tác cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác an toàn - bảo hộ lao động vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn là tiếp tục hoàn thiện mô hình "Sản xuất và Thương mại than" theo hướng đa dạng các chủng loại than nhập khẩu với than sản xuất trong nước cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước nhằm mục tiêu tăng năng lực sản xuất, khai thác tối đa lợi thế so sánh của Tập đoàn.
Đồng thời, duy trì sự phát triển của các lĩnh vực và giữ vững là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp luyện kim màu tại Việt Nam. Cùng với đó, vận hành các nhà máy điện hiện có đảm bảo an toàn, phát huy công suất thiết kế; phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của Tổng công ty Công nghiệp Hoá chất Mỏ. Đối với lĩnh vực cơ khí và sản xuất kinh doanh khác thì phát triển phù hợp với quy mô của Tập đoàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ Công Thương, Tài chính, TN&MT, KH&ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết trong thẩm quyền của mình, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ cấp phép khoáng sản để phục vụ các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng công suất mỏ, các thủ tục đầu tư...
Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Minh Chuẩn bày tỏ, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức do tác động chưa từng có của dịch COVID-19 và thiên tai. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, nỗ lực, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của tập thể 96.000 cán bộ công nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn, đặc biệt là sự nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật kỷ cương từ cơ quan điều hành, bộ máy tham mưu đến các đơn vị thành viên nên Tập đoàn đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra. Tập đoàn đã sản xuất 38,5 triệu tấn than, bằng 100% kết hoạch; tiêu thụ 42 triệu tấn than.
Đáng chú ý, sản lượng điện, sản lượng alumin sản xuất năm 2020 của TKV đạt cao nhất từ trước đến nay với sản lượng 1,42 triệu tấn alumin, bằng 109% kế hoạch và tiêu thụ đạt 1,4 triệu tấn, đạt 109% kế hoạch... Doanh thu toàn Tập đoàn năm 2020 đạt 123.425 tỷ đồng. nộp ngân sách Nhà nước 19.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Năm 2021, TKV đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu của toàn Tập đoàn là 123.880 tỷ đồng, tương đương với thực hiện năm 2020; nộp ngân sách 17.900 tỷ đồng; lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 3.000 tỷ đồng; năng suất lao động tính theo sản lượng than tiêu thụ quy đổi đạt 787 tấn/người/năm, tăng 2% so với thực hiện 2020.
Về sản xuất kinh doanh than, TKV phấn đấu tiêu thụ 42 triệu tấn than; sản xuất 38,5 triệu tấn và nhập khẩu 1,4 triệu tấn than tuỳ theo tình hình thị trường để điều chỉnh cho phù hợp. Về khoáng sản, Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ sản xuất 650.000 tấn alumin; Công ty Nhôm Đắk Nông sản xuất 650.000 tấn. Sản lượng kẽm thỏi đạt 12.000 tấn, tinh quặng đồng đạt 99.560 tấn.