Sức sống mạnh mẽ từ mạch nguồn lịch sử
Phát biểu tại Lễ khánh thành Phòng Truyền thống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc và cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 70 năm qua, ngành Công Thương đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại những dấu ấn thành tựu và giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ”.
Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của việc giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, ngày 22/6/2021, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã ra Nghị quyết số 11-NQ/BCSĐ về việc xây dựng Phòng Truyền thống và Đề án nghiên cứu Lịch sử phát triển ngành Công Thương. Tạp chí Công Thương là đơn vị được giao chủ trì nhiệm vụ.
Sau gần 12 tháng thi công, sưu tập tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó, Phòng Truyền thống ngành Công Thương kỹ thuật số tại website: Truyenthongcongthuong.vn và Cuốn sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu về Phòng Truyền thống cũng ra mắt bạn đọc trong dịp này.
Phòng Truyền thống ngành Công Thương được thiết kế đa chức năng, vừa là Phòng Truyền thống vừa là phòng tổ chức sự kiện. Thông tin tại Phòng Truyền thống được chia làm 2 chủ đề. Chủ đề thứ nhất gồm các thông tin chung về Ngành. Chủ đề thứ hai gồm hình ảnh tư liệu, hiện vật của 5 thời kỳ lớn trong quá trình phát triển ngành Công Thương.
Phòng Truyền thống cũng được áp dụng nhiều công nghệ bảo tàng hiện đại, được thuyết minh tự động song ngữ Việt - Anh. Tại các điểm đều có mã QR để khách thăm quan có thể dùng điện thoại truy cập xem và nghe chi tiết về lịch sử từng giai đoạn, cũng như câu chuyện của từng tư liệu, hiện vật.
Với hàng trăm tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã kể lại câu chuyện về lịch sử phát triển của Ngành một cách sống động. Mỗi tư liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Từ bản thảo viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bức hình của Người với Ngành Công Thương, tới cuốn sổ ghi chép thu mua hàng hóa của Sở mậu dịch Nam Bộ thuộc Ủy ban Kháng chiến những năm 1952 - 1954, khi Cách mạng phải gom từng đồng bạc nhỏ để kháng chiến lâu dài.
Từ những câu chuyện của một thời bao cấp, tới những báo cáo từ tâm dịch của Tổ Công tác đặc biệt đã giúp lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra những quyết định chưa từng có trong tiền lệ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, cung cầu hàng hóa trong một điều kiện vô cùng đặc biệt của năm 2021.
Hành trình kết nối
Quá trình sưu tầm tư liệu hiện vật cho Phòng Truyền thống, Tổ biên soạn đã lần theo từng trang lịch sử phát triển của Ngành, thậm chí có những tư liệu nằm trong bộ sưu tập của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài như Thư viện Quốc gia Pháp, Đại học Cornell (Hoa Kỳ)… cũng được Tổ biên soạn tìm hiểu và sao chép.
Tổ biên soạn cũng đã tìm đến những “chứng nhân”, để được lắng nghe những câu chuyện về hành trình phát triển của Ngành. Nhiều lãnh đạo Ngành tuổi đã ngoài 90 vẫn dày công tự tay viết lại những hồi ức đã diễn ra cách đây 40 - 50 năm.
Có đồng chí nguyên Vụ trưởng dù lâm trọng bệnh, vẫn rất quan tâm đến Phòng Truyền thống và Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam, trong những ngày cuối đời vẫn cố gắng chia sẻ thêm những thông tin về một thời kỳ đổi mới nền ngoại thương đất nước.
Có cả những người con trong quá trình tìm lại tư liệu của cha đã xúc động nói “Ba tôi mất đã 22 năm mà lãnh đạo Bộ vẫn nhớ, các anh chị vẫn đi tìm thông tin của Cụ để đưa vào Phòng Truyền thống của Ngành. Cảm ơn lãnh đạo Bộ Công Thương đã không quên uống nước nhớ nguồn”.
Những tình cảm trân quý đó, đã hun đúc quyết tâm, trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Công Thương và những người xây dựng Phòng Truyền thống, làm sao để Phòng Truyền thống của Ngành trở thành điểm hội tụ quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, sau hơn 70 năm, nhiều tài liệu, hiện vật bị phân tán, thất lạc; Nhiều câu chuyện giá trị được lưu giữ trong ký ức của những chứng nhân lịch sử, đã mai một theo quy luật của thời gian.
Do hạn chế của không gian trưng bày và thời gian thực hiện, Bộ Công thương cho rằng đây chỉ là điểm khởi đầu. Phòng Truyền thống ngành Công Thương sẽ còn phải bổ sung, vun đắp để thực sự có một tầm vóc, quy mô tương xứng với đóng góp của Ngành trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như mong muốn của những người con Ngành Công Thương.
Tự hào truyền thống - Vững bước tương lai
Phát biểu tại Lễ khánh thành Phòng Truyền thống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị triển khai xây dựng Phòng Truyền thống. Bộ trưởng cũng trân trọng cảm ơn những tình cảm quý giá, nghĩa cử tốt đẹp mà các tập thể, cá nhân đã dành cho Ngành thông qua việc cung cấp thông tin, sưu tầm, hiến tặng những tư liệu, hiện vật quý, cũng như hỗ trợ về công sức và vật chất cần thiết để có được Phòng Truyền thống rất có ý nghĩa này.
Bộ trưởng đề nghị các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành tiếp tục giúp đỡ Bộ Công Thương trong việc sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của Ngành, tạo điều kiện xây dựng Phòng Truyền thống ngành Công Thương ngày càng hoàn thiện, trở thành một địa chỉ tin cậy và có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của Ngành, góp phần truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hôm nay và mai sau nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và quản lý, khai thác có hiệu quả Phòng Truyền thống ngành Công Thương trong thời gian tới, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, lịch sử của Ngành, từ đó tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu Ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, Tạp chí Công Thương - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục sưu tầm, bổ sung các tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển Ngành hiện còn bị phân tán, thất lạc; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các nội dung Phòng Truyền thống để phát triển và lưu giữ bền lâu hệ thống dữ liệu về lịch sử, truyền thống của Ngành trên môi trường số, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về những dấu ấn lịch sử và giá trị truyền thống tốt đẹp của Ngành đến với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
Ba là, Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Tạp chí Công Thương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo quản an toàn các các tư liệu, hiện vật trưng bày và khai thác có hiệu quả Phòng Truyền thống trong các hoạt động giới thiệu, quảng bá, giáo dục truyền thống, lịch sử của Ngành, cũng như các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã trao thư cảm ơn cho các tập thể có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Phòng Truyền thống như: Tạp chí Công Thương, Văn phòng Bộ Công Thương, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: Bộ Công Thương là một Bộ luôn có tinh thần đổi mới
Nói về truyền thống ngành Công Thương, tôi nghĩ có mấy điểm ưu nổi trội.
Thứ nhất, ngành Công Thương chúng ta ngay từ khi thành lập luôn luôn bám sát và theo kịp những mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn của đất nước và thậm chí có những lĩnh vực chúng ta còn chủ động đi trước, chẳng hạn như lĩnh vực hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Bộ Công Thương là một Bộ luôn có tinh thần đổi mới.
Thứ ba, Bộ Công Thương, có thể trong thời điểm cụ thể ý kiến các đồng chí lãnh đạo có thể khác nhau, nhưng chưa bao giờ Bộ Công Thương mất đoàn kết, chưa có tình trạng mất đoàn kết, lộn xộn ở Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương vừa đoàn kết, đồng thời luôn luôn bắt nhịp với yêu cầu phát triển đất nước. Đấy là một truyền thống rất quý báu.
Tôi hy vọng rằng, Bộ ôn lại truyền thống không phải là “ăn mày dĩ vãng”, mà để biết được quá trình đóng góp của các thế hệ đi trước và các thế hệ sau này phải tiếp nối quá trình ấy, làm tốt quá trình ấy.
Dân gian ta có một câu rất hay: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Tôi tin rằng, Bộ Công Thương chúng ta luôn luôn có phúc, bởi vì các thế hệ sau sẽ phát triển tốt hơn, giỏi hơn những người đi trước.
Ông Lê Quốc Khánh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp: Phòng Truyền thống nên là một không gian mở để cho mọi người có điều kiện tiếp cận, từ đó học tập phát huy các phẩm chất tốt đẹp
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí trong Ban Cán sự đảng Bộ, trong thời gian vừa qua, Bộ chúng ta đã làm được hai việc rất có ý nghĩa, đó là biên soạn Cuốn sách Lịch sử ngành Công Thương 1945 - 2010 và ra mắt Phòng Truyền thống ngành Công Thương ngày hôm nay.
Tôi đánh giá rất cao ý tưởng xây dựng Phòng Truyền thống. Với Phòng Truyền thống, các đồng chí đã ứng dụng kỹ thuật số, đã tiếp cận với công nghệ hiện đại là điều rất mừng.
Phòng Truyền thống này, ngoài việc quảng bá hình ảnh ngành Công Thương, truyền thống ngành Công Thương ra bên ngoài, thì còn có nhiệm vụ rèn luyện cho đội ngũ hiện tại, cũng như các thế hệ tiếp nối sau này của ngành Công Thương tiếp tục phát triển những truyền thống tốt đẹp .
Ví dụ, người vào ngành Công Thương công tác thì phải học, phải tìm hiểu về truyền thống ngành Công Thương, trên cơ sở đó rèn luyện tư cách đạo đức, phẩm chất của một Người Công Thương. Hoặc những hình thức sinh hoạt như kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn có thể tổ chức ở phòng Truyền thống này, tức là làm sao để phòng Truyền thống là một không gian mở để cho mọi người có điều kiện tiếp cận, từ đó học tập phát huy các phẩm chất tốt đẹp.
Đồng chí Phạm Khắc Huy - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương: Thế hệ trẻ Công Thương nguyện đoàn kết, quyết tâm phát huy truyền thống của Ngành
Trong không khí trang trọng và đầy ý nghĩa tại buổi Lễ, tự hào về truyền thống và sự vững mạnh của ngành Công Thương, thế hệ trẻ chúng tôi nguyện mãi ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, công lao của các Bác, các Chú, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ đã không ngừng cống hiến, hy sinh để ngành Công Thương lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Sau buổi Lễ Khánh thành hôm nay, Phòng Truyền thống ngành Công Thương sẽ là địa chỉ tin yêu và vô cùng ý nghĩa đối với tuổi trẻ ngành Công Thương để có thể ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành; qua đó biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp.
Ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ, nhận thức về thời cơ và thách thức, với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng; tuổi trẻ ngành Công Thương xin hứa: Quyết tâm phát huy truyền thống của Ngành; nguyện đoàn kết, phát huy sức trẻ, không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, thi đua lập thành tích, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam.
[Quảng cáo]