Khi được giao tìm thông tin về các nguyên lãnh đạo Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, tôi mới biết Tổng cục này khác với các tổng cục thuộc Bộ, ngành hiện nay. Theo các tài liệu công bố, thời điểm cuối năm 1983, Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học được thành lập trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Sau nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, mô hình hiện nay là Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam - doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên không có thông tin gì về nguyên lãnh đạo thời kỳ còn là Tổng cục.
Để hỏi thông tin về các nguyên lãnh đạo của Tổng cục, chúng tôi liên hệ với các bác, các chú nguyên là cán bộ qua các thời kỳ của Tổng cục/Tổng công ty. Trong điều kiện không có số điện thoại liên lạc cá nhân của các bác, các chú, chúng tôi liên hệ bằng tất cả các cách thức có thể. Và sau khi tìm được địa chỉ facebook và qua vài tin nhắn, chúng tôi liên hệ được với TS. Kỹ sư Lê Trường Sơn - Nguyên chuyên viên Vụ KH&HTQT Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, sau là Chánh văn phòng Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam. Chú Sơn cho biết Tổng cục trưởng đầu tiên là bác Trịnh Đông A, nhưng không có địa chỉ liên hệ của bác. Chú Sơn cho chúng tôi số điện thoại của chú Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Tổng hợp Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, sau là Uỷ viên HĐQT Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam. Qua kết nối với chú, chúng tôi được biết địa chỉ nhà riêng và điện thoại liên hệ của bác Trịnh Đông A.
“Các em, các cháu liên hệ thời điểm này là có thể gặp được bác đấy, thời gian trước bác thường ở nước ngoài với con cháu nhưng mấy năm nay do dịch Covid-19, bác ở Hà Nội”, chú Hùng chia sẻ. Chúng tôi vui mừng vì mọi việc diễn tiến thuận lợi, chỉ cần liên hệ với bác Trịnh Đông A là có thể hoàn thành phần việc thu thập thông tin về nguyên lãnh đạo một đơn vị tiền nhiệm của Bộ.
Sau nhiều cuộc gọi vào số di động của bác mà không có người nhận, tôi liên hệ lại với chú Việt Hùng thì được chú mách: “Nên gọi vào giờ cơm trưa, tối vì các bác cao tuổi không thường cầm điện thoại trong tay”. Tôi nghe lời chú, áng chừng giờ cơm tối hôm đó tôi gọi vào số máy bàn thì gặp bác nghe máy luôn. Sau khi nghe tôi trình bày, bác hẹn hôm sau đến nhà để bác có thời gian tìm lại thông tin và hình ảnh vì thời gian quá lâu rồi.
Hôm sau đúng hẹn, tôi đến nhà bác ở Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra Hà Nội. Trong căn hộ ngăn nắp, ấm cúng, nơi góc nhà bác gái đang ngồi đàn một bản nhạc dương cầm quen thuộc, bác Trịnh Đông A mang các tư liệu, thông tin cũ ra chia sẻ với tôi. Đúng với phong thái chu đáo, cẩn trọng thường thấy ở người cao tuổi, bác chuẩn bị sẵn các tư liệu, hình ảnh của bác thời còn công tác.
Qua trò chuyện, tôi mới biết bác tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Lômôlôxốp của Liên Xô về nước làm giảng viên Bộ môn Vô tuyến điện, Khoa Lý – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, bác được cử đi học chính trị và ngoại ngữ để làm nghiên cứu sinh. Năm 1974, bác bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ tại Học viên Kỹ thuật quân sự (WAT) của Ba Lan và được phân công về Phân viện Vật lý, Viện Kỹ thuật Quân sự.
Công trình nghiên cứu phá thủy lôi từ tính và bom từ trường do bác và các đồng đội trong Nhóm tác giả Viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, thực hiện những năm 1967 – 1969 đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (năm 1996). Đây là công trình được bạn bè quốc tế ca ngợi như một "Khúc khải hoàn ca trí tuệ Việt Nam".
Rồi bác kể về cơ duyên đến với Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học. Khi đang là PGS.TS., Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật ở Nhà máy Z181 của Bộ Quốc phòng, bác được đón tiếp và giới thiệu với bác Đỗ Mười khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) về quy trình sản xuất của nhà máy. Sau đó một thời gian, bác được bác Đỗ Mười gọi lên và giao nhiệm vụ xây dựng Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học. Bác cho biết: “Khi mới thành lập Tổng cục, tôi được giao nhiệm vụ Quyền Tổng cục trưởng, thực hiện mọi trọng trách, nhiệm vụ của một tổng cục trưởng”.
Trước mặt tôi là người cán bộ lão thành 83 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng vẫn toát lên phong thái cương nghị, minh mẫn của người làm kỹ thuật. “Nếu cô có thời gian, tôi muốn nói chuyện một chút về việc phát triển của ngành điện tử vì lâu rồi tôi không gặp và nói chuyện với người trong Ngành”, nghe bác nói, tôi nhận ra một tấm lòng đau đáu với ngành, với nghề dù bác đã nghỉ hưu nhiều năm. Bác không nhớ rõ về những dữ liệu mang tính hành chính như quyết định nhân sự, thời gian công tác… nhưng lại rất tâm huyết khi nói về quá trình phát triển, những thành tựu đạt được và cả những gì mà công nghiệp điện tử Việt Nam chưa làm được.
Trò chuyện thêm với bác Trịnh Đông A, tôi còn biết một thông tin quý khác là cha ruột của bác - kỹ sư Trịnh Tam Tỉnh và chú ruột của bác - kỹ sư Trịnh Vân Yên chính là những thành viên của nhóm kỹ sư, công nhân vận hành sản xuất những mẻ gang của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam từ những năm 1950 - 1951 tại một hang đá ở thung lũng Đồng Mười, huyện Như Xuân (nay thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Trong lòng hang đá giữa những ngày bom đạn ác liệt, ý chí sắt đá và lòng quả cảm, sự kiên cường, thông minh sáng tạo của đội ngũ chiến sĩ, kỹ sư, công nhân gang thép của Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn để sản xuất liên tục các mẻ gang. Chỉ sau 2 năm, các lò cao trong hang đá đã sản xuất và cung cấp hàng trăm tấn gang cho các xưởng công binh ở Khu 4 để chế tạo vũ khí phục vụ cho các chiến trường đánh Pháp. Câu chuyện này cũng đã được chúng tôi sưu tầm và đưa vào trưng bày ở Phòng Truyền thống Ngành Công Thương.
Trong khoảnh khắc cuộc trò chuyện ấy, tôi thực sự xúc động bởi đã may mắn được gặp, trò chuyện với một trong những nhân chứng về truyền thống Ngành Công Thương theo đúng nghĩa “người thật, việc thật”: Cha gắn bó với lịch sử công nghiệp luyện kim, con góp phần gầy dựng công nghiệp điện tử - Truyền thống chung của Ngành Công Thương và truyền thống của gia đình đã gặp nhau, cùng hun đúc nên những giá trị sống mãi với thời gian.
[Quảng cáo]