Bàn đạp cải tiến
Thời gian qua, bức tranh về thị trường pin và ắc quy tại Việt Nam đã có nhiều biến động, với sự tham gia cạnh tranh khốc liệt của nhiều doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới chịu ảnh hưởng, cùng với bão lũ, sạt lở nhiều nơi ở miền Trung Tổ quốc đã gây thiệt hại cho người dân.
Những yếu tố này kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, khiến doanh nghiệp Việt đối mặt với khó khăn chưa từng có. Dù là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong ngành ắc quy với hơn 40 năm phát triển, PINACO cũng không thể đứng ngoài vòng tác động ấy.
Trong bối cảnh đó, một bài toán mới đặt ra cho PINACO, khi đối tác Yamaha yêu cầu giảm giá thành sản phẩm bình ắc quy 12N5 mà Công ty cung cấp cho hãng xe máy này. Để đảm bảo mức tăng thu nhập của người lao động, mà lợi nhuận thu về không giảm, PINACO đã quyết tâm đưa ra giải pháp giảm giá thành sản phẩm thông qua tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả cạnh tranh, đồng thời cải tiến để tăng năng suất lao động.
Sau nhiều phân tích kỹ lưỡng, PINACO đi đến quyết định “gõ cửa” chính khách hàng của mình là Yamaha để học hỏi. Tháng 1/2020, Công ty thành lập nhóm cải tiến triển khai dự án “Cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình ắc quy xe gắn máy 12N5” tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai. Nhóm cải tiến áp dụng phương pháp TVP (Theoretical Value Production – Giá trị lý thuyết của sản xuất) do Yamaha xây dựng, để phân tích từng hoạt động sản xuất của dây chuyền, từ đó phát hiện nhiều thao tác sản xuất không tạo ra giá trị, nhiều điểm nút thắt cổ chai trên dây chuyền sản xuất.
Điều đáng nói là, TVP là phương pháp tương đối mới tại Việt Nam. PINACO là một trong những doanh nghiệp “hiếm hoi” được Yamaha tin tưởng hỗ trợ đào tạo về TVP, và cũng là doanh nghiệp tiên phong thành công trong áp dụng phương pháp này.
Với TVP, nhóm cải tiến tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai đã đề ra và triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm cải tiến tổng thể dòng chảy sản xuất như sắp xếp lại layout sản xuất, cân bằng công đoạn, cải tiến một số công cụ sản xuất, thu nhỏ bàn thao tác… nhằm loại bỏ các thao tác thừa, tối ưu hoá công đoạn sản xuất.
Hiện thực hóa ý chí quyết tâm
Lý thuyết là vậy, nhưng khi đi vào thực tế quả thật mọi việc không hề dễ đàng.
“Khi tiếp cận cái mới, nhịp làm việc cao hơn nên cũng có một số khó khăn nhất định như rất lâu để thay đổi được thao tác của công nhân, giai đoạn đầu của dự án cũng còn có những suy nghĩ “cái đó khó lắm không làm được đâu” nên một vài hạng mục từng trễ tiến độ”, đại diện PINACO chia sẻ.
Dù tốn nhiều thời gian, nhưng sau đó các vấn đề này đã được giải quyết, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của thành viên Dự án và các nhân sự khi được phân công thực hiện công việc.
Mặt khác, sự “hậu thuẫn” nguồn lực lớn từ lãnh đạo Công ty và hỗ trợ nhiệt tình của đối tác Yamaha cũng giúp công việc luôn thực hiện đúng tiến độ, nếu có khó khăn có thể xin ý kiến và tháo gỡ ngay.
Tiến độ được 2 bên báo cáo trực tuyến hàng tuần, kiểm tra kết quả thực hiện hàng tháng tại ngay hiện trường nên tạo không khí làm việc sôi động, khẩn trương.
Kết quả, sau 6 tháng áp dụng các giải pháp, số lao động cần thiết trong dây chuyền lắp ráp bình ắc quy xe gắn máy 12N5 tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai đã giảm từ 20 người xuống còn 15 người, giúp tiết kiệm chi phí nhân công 900 triệu đồng/năm. Đồng thời, năng suất tại dây chuyền tăng thêm 2,27%, làm lợi cho đơn vị thêm 61 triệu đồng/năm.
Quan trọng hơn, mục tiêu ban đầu là giảm giá thành theo yêu cầu của đối tác đã đạt được. Con số giá thành giảm 3% cho sản phẩm 12N5 là minh chứng rõ ràng cho thành công thực tế của dự án, thay vì chỉ dừng lại ở tiềm năng cơ hội.
Năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng sản phẩm ắc quy của PINACO vẫn tiêu thụ bằng năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc thị phần của công ty đã được tăng thêm đáng kể, giữ vững vị trí đối tác chiến lược của các nhà sản xuất và lắp ráp xe ô tô, xe gắn máy hàng đầu như Ford, Suzuki, Mercedes- Benz, Thaco, Yamaha, Piaggio, KIA Motors, Hyundai Vinamotor, Vina Mazda, Honda Việt Nam,…
Các chỉ tiêu của Công ty năm 2020 đều không thấp hơn năm trước. Người lao động có đủ công việc đều đặn, thu nhập ổn định, tâm lý phấn khởi.
Ngoài ra, vào những giai đoạn khó khăn nhất lại chính là lúc PINACO phát triển thêm được 3 thị trường mới khó tính là Nhật, Thái Lan, Bolivia, đưa sản phẩm Công ty có mặt tại tổng cộng 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện, PINACO đang tiếp tục áp dụng phương pháp TVP ở tất cả các công đoạn khác tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Sau khi hoàn thành, Xí nghiệp có thể giảm thêm 24/128 lao động nữa, tương đương khoảng 19% tổng số lao động. Ba xí nghiệp còn lại của PINACO là Ắc quy Sài Gòn, Ắc quy Đồng Nai 2 và Pin Con Ó cũng đang cử người tham gia đào tạo trong quá trình Đồng Nai thực hiện để về áp dụng cho đơn vị mình.
“Dự kiến, trong năm 2021, hoạt động cải tiến bằng phương pháp TVP sẽ được Công ty áp dụng tại tất cả các xí nghiệp, đơn vị thành viên của Công ty, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu suất lao động”, Ông Lê Văn Năm – Tổng Giám đốc PINACO vui mừng cho biết.
Năm 2021, vượt lên kế hoạch mà Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giao là doanh thu 3.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng, PINACO cho biết sẽ quyết tâm phấn đấu đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 205 tỷ đồng.