Trưa hôm qua, khi vừa đặt chân đến Pom Coọng, Mai Châu, Hòa Bình, sau khi cả nhà
thưởng thức bữa cơm có cá đồ lá chuối, thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chao lá
mắc mật, nếp nương… ai nấy đều khoan khoái
hít thở không khí núi rừng Tây Bắc đều muốn đi một tua quanh thung lũng Mai Châu.
Xe điện ở đây khá nhiều, giá đầu tư khoảng 150 triệu đồng/chiếc cũng vừa túi tiền
nên tư nhân có thể tự bỏ tiền ra kinh doanh. Dù chưa có bất kỳ hình thức quản lý
nào, chưa ai phải đóng đồng thuế má nào nhưng thật may mắn là cũng chưa có sự cố
nào xảy ra. Một chuyến thăm quan có giá khoảng 250 nghìn đồng, mặc cả khéo chỉ
khoảng 200 nghìn, đoàn khoảng 10 người có thể lên một chuyến đi quanh 8 bản lân
cận xuyên qua các ngôi nhà sàn nơi sinh sống của bà con Mai Châu và thỏa sức ngắm
cảnh, mua sắm đồ lưu niệm được “hand made” từ chính đôi bàn tay của họ.
Đi xe điện và cảm giác hào hứng khiến cho mọi người mất ý niệm về thời gian, hỏi ra hóa chặng đường cũng không hề ngắn, gần 20km. Khi xe đi ngang qua đầu bản Lác 1 có một quầy hàng bày bán đồ thổ cẩm và cả một giá các loại đao kiếm, dao bằng thép cũng có nhưng chủ yếu là bằng gỗ. Thằng bé mân mê mãi nhưng nhìn thanh kiếm gỗ dài ngoằng mầu nâu cánh gián đẹp một cách … nguy hiểm cả nhà ai cũng lờ đi. Nó buồn hẳn. Từ đó người cứ bần thần rồi đến tối muộn, sau bữa cơm tối với thịt lợn mán hấp, nướng, lòng, dồi, xôi nếp…, nó ăn uống rất nhạt nhẽo rồi cuối cùng hỏi: Chẳng nhẽ đi cả chuyến du xuân mà không có được một món quà kỷ niệm ạ? Ai cũng ngớ ra một lúc rồi nhìn nhau không nói.
Người xiêu lòng chính là bố nó. Họ hẹn nhau sáng mai. Thế là
mới có vụ hai kẻ lười dậy sớm thành thị hôm nay lại tích cực dậy sớm thuê hai
chiếc xe đạp một của người lớn một của trẻ con mải miết trong một sáng sớm ở một
nơi rất xa.
Dịu dàng quá đỗi bản Pom Cọong vào một sớm mùa xuân.
6h sáng mà bầu
trời quang đãng, trong veo, ấm áp, chỉ cần khoác cái áo gió nhẹ, đạp thong dong
vài vòng đã thấy mồ hôi mồ kê chuẩn bị túa ra. Chiều hôm qua trên đường đi xe điện
chú lái xe đã giới thiệu Pom Coọng có nghĩa là đồi trống, đồi hình cái trống.
Chú í bảo Pom Coọng giờ được chuộng hơn Bản Lác vì sự hoang sơ, đơn giản, tự
nhiên… của nó.
Có mỗi 70 nóc nhà sàn, 300 người dân, Pom Coọng hiền lành, lặng lẽ khác hẳn sự náo nhiệt, ầm ĩ giống như một phố tây của Bản Lác. Nhưng người “tây” cũng chẳng còn ở trung tâm Bản Lác nữa. Họ đã vào sâu hơn, kín đáo hơn. Pom Coọng thích hợp với những người thành thị nội tâm. Nó đang mùa đẹp nhất của năm với những cánh đồng lúa xanh rờn, tốt bời bời năm xâm xấp reo vui như những miếng nhung xanh mướt mượt mà. Trong gió ngào ngạt hương thơm của chi chít chùm hoa xoài lúc lỉu trên cây. Mùi đất, mùi cỏ cây, mùi của thiên nhiên núi rừng!
Chẳng nhớ đường lắm nhưng cũng không sao, cứ thong dong hai xe hai bố con thả dốc rồi lại hì hục dắt xe leo dốc… Thấy một nhà dân bên đường có người đàn ông đang ngồi uống nước dưới ngôi nhà sàn mà bộ bàn ghế chính là các phiến gỗ rừng cái tròn cái méo, hai bố con quyết định dừng chân xin vào nghỉ. Hóa ra đã sang đến bản Na Thia và đây là nhà anh Phôn. Anh Phôn sinh năm 1972, đang ngồi tỉnh táo sau trận rượu mấy hôm trước để nghĩ về cuộc thi bắn nỏ trong bản sẽ diễn ra vào ngày mai. Thấy khách vui vẻ anh lại gọi vợ mang cốc rượu thủy tinh trắng ra cùng hai miếng thịt trâu gác bếp cuối cùng của tết năm nay mời khách. Chị Chính uống rượu khéo giỏi hơn chồng vì cứ cạn đến vài chén mặt chả hề hấn gì. Đến khi anh Phôn rót chén tiếp theo từ chiếc cốc phía bên cạnh chị Chính mới hay đó là cốc nước… lọc. Chị Chính cười cười nói ơ tôi rót nhầm nãy giờ mà không biết, mặc kệ thái độ chê trách của ông chồng. Chủ nhà hiếu khách gặp bố con ông khách vui tính chuyện trò huyên náo cả một góc đường thì một chàng trai mặc chiếc áo đỏ nhà bên cạnh đi sang tự xin một chén đầu xuân với khách rồi giới thiệu tôi là Tùng, em trai anh Phôn sinh năm 76 chưa vợ con gì. Lại chuyện một lúc rôm rả nữa rồi hai bố con mừng tuổi cho gia chủ xong mới chào tạm biệt tiếp tục đi mua kiếm…
Sang đến Bản Lác sầm uất, ồn ào, bụng cũng đoi đói rồi mà loanh quanh một hồi không nhớ nổi cửa hàng bán kiếm là cửa hàng nào, hai bố con đành gọi điện cứu trợ của cả đoàn. Chờ một lúc thì cả đoàn xuất hiện cũng mỗi người chiếc xe đạp. Hóa ra, chả ai ngủ muộn trong một sớm mùa xuân đẹp như thế này, bố con họ vừa dậy thì cả đoàn cũng đã lẳng lặng dậy theo tự lúc nào. Thằng bé từ lúc được mua chiếc kiếm sung sướng như chim non ríu rít. Cả đoàn lên xe nhằm thẳng hướng Pom Coọng quay về, xe lại đi ngang qua nhà anh Phôn, thằng bé vanh vách nói: Kia là nhà bác Phôn kìa, à, cái bác mặc áo đỏ kia là bác Tùng sinh năm 76 hơn 40 tuổi chưa lập gia đình chính là em bác Phôn… Rồi nó giơ tay chào bác Phôn bác Tùng ầm ĩ, hai người cũng giơ tay chào lại vui như tết. Ông bà, cô bác choáng hết cả người vì tốc độ “dân vận” của hai bố con thằng bé, ai cũng cười lăn cười bò.
Đói rồi, về lại “khách sạn” của mình thôi.
Chị Vi Thị Cầm cũng mới chuyển sang kinh doanh nhà sàn nghỉ dưỡng kiểu homestay như này được mấy năm. Hai vợ chồng chị mới ngoài 45 mà đã đã lên chức ông bà nội. Chị có một ngôi nhà sàn nhưng được ngăn làm hai để phục vụ được nhiều đoàn khách hơn. Người Thái ăn tết Mấy vào mấy ngày trước tết, còn sau đó đã gần như xong Tết, bây giờ đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Chị làm cùng chồng và khi đông khách hơn thì có thêm hai chị nữa giúp việc. Thế thôi và lặng lẽ lắm, nhưng mà cứ đến giờ ăn là các chị bưng ra đủ các món đúng như thực đơn của khách, lại còn trình bày rất ngon mắt và món ăn thì cực kỳ vừa miệng. Hỏi các chị là có được cán bộ xã dạy làm du lịch không thì chị lắc đầu bảo không, tự bọn chị học nhau thôi. Hôm nay chị có thêm gia đình 4 người hai vợ chồng hai đứa con người Pháp đặt ăn cơm. Nghỉ thì họ ở Mai Châu Ecolodge 4 sao sang trọng nhưng họ lại thích lang thang ăn ở Pom Coọng, cảm nhận sự hoang sơ, đời thường của cảnh vật và nét sinh hoạt kiểu “kinh doanh như là không kinh doanh” của người Thái nơi này. Chị Cầm bảo: “Mai là vãn đoàn khách này, chị mới sang ăn cỗ hạ cây nêu. Có khách thì mình phải phục vụ khách đã chứ. Khách vui mình mới vui”.