"PTSC Lam Sơn" khẳng định thương hiệu, nâng tầm cao mới

Ngày 08/03/2014, tại nhà máy đóng tàu Keppel, Singapore, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cùng các tối tác tổ chức Lễ đặt tên (Naming Ceremony) cho Kho nổi, xử lý, chứa

Buổi Lễ đặt tên FPSO đã được diễn ra long trọng dưới sự chứng kiến của ông Trần Hải Hậu - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Singapore cùng Quý phu nhân; Tiến sĩ Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Ông Vũ Khánh Trường - Thành viên HĐTV Petrovietnam; Tiến sĩ Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam, Bà Bùi Kim Dung - quý bà đỡ đầu (Lady Sponsor) cho FPSO; Ông Zulkarnain Bin Ismail - Tổng Giám đốc Petronas Việt Nam; các đại diện từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ Vũng Tàu; Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Nhà máy đóng tàu Keppel, các nhà thầu phụ của dự án, các ngân hàng tài trợ vốn, các khách hàng/đối tác quan trọng và các cơ quan truyền thông, báo chí của Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Lễ

Các vị khách quý chụp hình tại cầu cảng

Đây là dự án hoán cải, nâng cấp và đóng mới FPSO với quy mô rất lớn (tổng giá trị đầu tư hơn 400 triệu USD), lần đầu tiên nhà thầu trong nước PTSC tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, chế tạo, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng cho thuê tàu với khách hàng LSJOC. "PTSC Lam Sơn"được thiết kế có sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, khả năng xử lý 18.000 thùng/ngày và làm việc liên tục (không lên đốc) trên 10 năm tại mỏ. Hệ thống công nghệ xử lý, lọc tách dầu thô,bao gồm các hệ thống: phát điện, nồi hơi, bồn tách/lọc, khí nén, nước/khí ép vỉa, cấp điện cho các giàn khai thác, đo đếm, neo và 05 ống risers, 02 cáp điện ngầm, các thiết bị an toàn/cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế.Thời gian thi công là 22 tháng trong khi các dự án FPSO thông thường khác thời gian tối thiểu thực hiện việc sửa chửa và hoán cải là 24 tháng.

Quý bà đỡ đầu - Lady Sponsor đặt tên cho FPSO

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc PTSC nhấn mạnh: "Dự án FPSO PTSC Lam Sơn đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với PTSC, LSJOC, PVEP, Petrovietnam mà còn đối với an ninh năng lượng quốc gia". Ông Lê Mạnh Cường điểm lại những khó khăn của dự án ngay từ những ngày đầu khi PTSC đứng ra nhận trách nhiệm tiếp quản từ nhà thầu FPSO của Na-uy lớn thứ 4 thế giới tại thời điểm đó là Fred Olsen Production (FOP) (đã được trao thầu nhưng từ chối tiếp tục thực hiện dự án). Do đây là một dự án sửa chữa, hoán cải và đóng mới phức tạp, việc FOP rút lui đã làm cho dự án phát sinh thêm nhiều vấn đề kỹ thuật, thương mại và pháp lý. Tuy nhiên với việc phát huy truyền thống của một tập thể Anh hùng và nội lực của một đơn vị mũi nhọn trong ngành Dầu khí Việt Nam, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Petrovietnam, sự hỗ trợ từ LSJOC/PVEP/PVCL, sự phối hợp nhịp nhàng từ đối tác Yinson Berhad trong liên doanh, cũng như việc tài trợ vốn từ các ngân hàng OCBC, UOB(Singapore) và sự lỗ lực của các nhà thầu phụ liên quan, tập thể cán bộ nhân viên PTSC đặc biệt là Ban Quản lý dự án đã nỗ lực không mệt mỏi hoàn thành việc tiếp quản và tái triển khai dự án trong thời gian kỷ lục, cũng như không ngừng phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành dự án với tiến độ đề ra. FPSO sau khi đươc sửa chữa và hoán cải đã đạt được chất lượng quốc tế, được cả đang kiểm DNV và Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận.

 

Ông Lê Mạnh Cường, PTGĐ PTSC phát biểu tại buổi Lễ

Cũng nhân dịp này, ông Lê Mạnh Cường cũng đặc biệt khen ngợi trước cố gắng làm việc hết mình của những cán bộ nhân viên PTSC trực tiếp tham gia vào dự án, đặc biệt là những nhân sự 2 năm qua làm việc tại nhà máy đóng tàu Keppel và các công trường khác trên thế giới như Batam (Indonesia), Johor Baru (Malaysia), Úc, Mỹ, Anh...; đã không ngại khó khăn để hoàn tất công việc với khối lượng khổng lồ một cách xuất sắc và đạt cột mốc hơn 7.000.000 (bảy triệu) giờ làm việc liên tục an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố mất thời gian làm việc.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Dũng, PTGĐ Petrovietnam phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của PTSC trong dự án này. Việc PTSC dũng cảm đứng ra tiếp nhận dự án từ nhà thầu FOP (Na-uy) không những giúp dự án tránh khỏi đỗ vỡ, thiệt hại cho LSJOC/PVEP/PCVL mà còn giúp đỡ các đơn vị thành viên của Tập đoàn đang gặp khó khăn mà việc mua lại tàu Poseidon M của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí dùng làm FPSO là một ví dụ cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Hùng Dũng nhấn mạnh rằng, với thành công trong dự án này, PTSC đã tiếp tục khẳng định năng lực, nâng tầm cao mới vươn mình trở thành một trong những nhà thầu FSO/FPSO hàng đầu khu vực. Việc này đã đáp ứng được kỳ vọng của Tập đoàn với chủ trương giao cho PTSC làm đầu mối trong toàn Tập đoàn về dịch vụ cung cấp, vận hành và bảo dưỡng FSO/FPSO.

Các vị khách quý chụp hình trên FPSO

Tiếp nối việc đầu tư và thực hiện thành công dự án kho nổi FSO PTSC Biển Đông 01 cho khách hàng Biển Đông POC, một lần nữa PTSC đã khẳng định năng lực, uy tín và sự trưởng thành vượt bậc của mình trong lĩnh vực đầu tư, thi công, khai thác, vận hành và bảo dưỡng FPSO/FSO; là một trong 06 lĩnh vực kinh doanh chính và mũi nhọn của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Doanh thu của Dịch vụ cung cấp, vận hành và bảo dưỡng Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu (FSO/FPSO) năm 2013 đạt 1.170,0 tỷ đồng.

Với gần 20 năm xây dựng và phát triển, thực hiện thành công rất nhiều dự án có quy mô lớn, Tổng Công ty PTSC tiếp tục khẳng định vị thế của một nhà thầu cung cấp dịch vụ với hàm lượng chất xám cao hàng đầu cả trong và ngoài ngành dầu khí, luôn là sự lựa chọn tốt trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho ngành Công nghiệp dầu khí và năng lượng ở Việt Nam và trong khu vực.