PV Trans (PVT) báo lãi cao nhất lịch sử, kỳ vọng mảng vận tải dầu thô giữ vững “phong độ”

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT) vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 16% so với năm 2023, vượt 89% mục tiêu cả năm đã đề ra.
PV Trans
Mảng vận tải dầu thô của PV Trans được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhờ giá cước thuê tàu neo cao.

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) vừa cho biết tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 ước đạt 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.800 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 16% so với năm 2023. Đây đều là những kết quả cao nhất lịch sử hoạt động của tổng công ty.

Trong đó, doanh thu quý 4/2024 ước đạt 3.535 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước tính giảm 18%, còn 293 tỷ đồng.

Năm nay, PV Trans đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 950 tỷ đồng. Với kết quả ước tính như trên, tổng công ty có thể vượt 36% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng Giám đốc PV Trans cho biết, trong năm 2024, tổng công ty đã đầu tư thêm 8 tàu mới, bao gồm các loại tàu dầu sản phẩm, tàu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời để đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường và giảm phụ thuộc vào các hình thức thuê ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, đội tàu của PV Trans đang có 58 chiếc với tổng trọng tải đạt trên 1,6 triệu DWT. Với quy mô đội tàu như vậy, PV Trans được đánh giá là đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, PV Trans cũng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 3.236 tỷ đồng lên 3.560 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Yếu tố này chính là điều kiện tiên quyết giúp nâng cao năng lực tài chính của tổng công ty và là cơ sở để mở rộng quy mô họa động trong thời gian tới, lãnh đạo PV Trans chia sẻ.

Năm 2025, PV Trans đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 33% so với kết quả ước tính năm 2024.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh trong năm 2025, ban lãnh đạo PV Trans nhận định tổng công ty có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ đạt 2,7%.

Giá cổ phiếu PVT PV Trans
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PVT của PV Trans từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "PV Trans (PVT): Đón loạt tàu mới, vượt mục tiêu lãi cả năm 80% chỉ sau 11 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, mảng vận tải dầu thô của các doanh nghiệp như PV Trans có thể hưởng lợi từ việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Cụ thể, ông Donald Trump cho biết sẽ tăng cường sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của Mỹ trong thời gian tới. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu vận chuyển dầu thô và các sản phẩm từ dầu trên các tuyến đường dài, từ Mỹ đến châu Á hoặc châu Âu, kéo theo đó là giá cước thuê tàu neo cao mặc dù tổng sản lượng vận tải trên toàn cầu có thể thấp hơn năm 2024.

Đồng quan điểm như trên, hãng Chứng khoán MB dự báo giá cước định hạn cho tàu chở dầu thô dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2025 trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu khó sớm kết thúc.

Chứng khoán MB nhận định khi Liên minh châu Âu (EU) có khả năng kéo dài các lệnh trừng phạt đối với Nga và gia tăng nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, Mỹ. Qua đó, hỗ trợ nhu cầu tàu dầu di chuyển đường dài giữa Đại Tây Dương - châu Á. 

Hơn nữa, việc nguồn cung dầu thô gia tăng ở các nước châu Mỹ trong khi công suất lọc dầu lại tăng chủ yếu ở châu Á có thể tạo ra sự mất cân bằng và tương ứng làm tăng nhu cầu vận chuyển dầu thô trên toàn thế giới.

Duy Quang