PV Trans (PVT): Tiếp tục chiến lược trẻ hoá đội tàu, xem xét mở rộng mảng logistics

Lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT) cho biết PV Trans đã hoàn thành 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 4 tháng. Đồng thời, PV Trans sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược trẻ hoá đội tàu và xem xét mở rộng mảng logistics.

Đã hoàn thành 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 4 tháng

Petrovietnam
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi họp về kế hoạch phát triển của PV Trans.

Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có buổi làm việc về kế hoạch năm 2024, chiến lược/kế hoạch phát triển trung, dài hạn của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay PV Trans đã tập trung mọi nguồn lực, áp dụng đồng bộ linh hoạt các giải pháp trọng tâm để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất 4 tháng đầu năm ước đạt 3.350 tỷ đồng, tương đương 119% kế hoạch 4 tháng đầu năm và hoàn thành 38% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4 tháng đầu năm ước đạt ước đạt 460 tỷ đồng, tương đương 153% kế hoạch 4 tháng đầu năm và hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Kế hoạch 8 tháng cuối năm, PV Trans ước thực hiện tổng doanh thu hợp nhất 7.150 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 470 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế của PV Trans trong năm nay ước đạt lần lượt là 10.500 tỷ đồng và 930 tỷ đồng.

Chủ tịch PV Trans
Ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans báo cáo tại buổi họp.

Về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2021 - 2023, PV Trans đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm được Petrovietnam giao với lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 27.428 tỷ đồng, tương đương 65% - 69% kế hoạch 5 năm; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4.046 tỷ đồng, tương đương 67% - 83% kế hoạch 5 năm.

Về công tác đầu tư, tính đến nay, PV Trans đã tiếp nhận thêm 27 tàu mới, trong đó có 18 tàu đầu tư và 9 tàu thuê mua (bareboat) kèm theo quyền/nghĩa vụ mua lại tài sản. Lũy kế đến nay, PV Trans sở hữu và khai thác tổng số 52 tàu các loại với tổng trọng tải đạt hơn 1,4 triệu DWT. Riêng công ty mẹ đã đầu tư được 5/10 tàu với tổng mức đầu tư là 87,4 triệu USD.

Tiếp tục chiến lược trẻ hoá đội tàu, xem xét mở rộng mảng logistics

Đối với Chiến lược phát triển của PV Trans đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phạm Việt Anh cho biết, triển vọng thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo duy trì xu hướng tích cực với dư địa phát triển rộng lớn khi nhu cầu vận tải, đặc biệt phân khúc vận tải dầu thô, sản phẩm dầu/hóa chất dự kiến tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn.

Hơn nữa, xu hướng bất ổn do chiến tranh, xung đột trên thế giới, việc xây dựng những đội tàu của Việt Nam đủ lớn để chủ động phục vụ nhu cầu logistics trong nước và xuất nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam có trên 3.000 km bờ biển, Chủ tịch PV Trans nói.

PV Trans
PV Trans sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược trẻ hoá đội tàu nhằm đáp ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng và các cam kết quốc tế vè giảm phát thải CO2.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo PV Trans dù nắm giữ vị thế là đơn vị vận tải biển hàng lỏng số 1 Việt Nam nhưng quy mô đội tàu hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn trong khu vực và thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng của một công ty shipping hàng đầu Việt Nam và chưa có đủ nguồn lực để tham gia tích cực vào thị trường hàng hải quốc tế.

Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch năng lượng và các yêu cầu cam kết quốc tế COP26 về việc giảm lượng phát thải CO2 vào năm 2030 - 2050, cũng tạo ra những cơ hội và thách thức cho các công ty shipping, trong đó có PV Trans.

Nhiều tàu cũ của PVTrans sẽ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện khai thác sau năm 2030. Vì vậy, để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, PV Trans buộc phải tái cấu trúc, liên tục đầu tư, đổi mới và trẻ hóa đội tàu, ông Phạm Việt Anh nhấn mạnh.

Xem thêm: "PV Trans (PVT): Lãi quý 1/2024 tăng 33%, muốn tăng vốn điều lệ ngang bằng với PVD hoặc PVS" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với ngành logistics, nhu cầu về hạ tầng cầu cảng, kho bãi được kỳ vọng tăng trưởng ở mức khả quan nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi hoạt động thương mại cũng như làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, bên cạnh việc tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi là vận tải biển, PV Trans xem xét mở rộng chuỗi hoạt động ở mảng logistics, cảng biển, cảng cạn... thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác (góp cổ phần, liên doanh, liên kết) với các đối tác.

Do vậy, giai đoạn 5 năm tiếp theo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, PV Trans định hướng gia tăng quy mô thông qua tái cơ cấu nâng cao chất lượng đội tàu với trọng tâm hướng đến các phân khúc tàu có trọng tải lớn hơn, trẻ tuổi hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn.

Ông Phạm Việt Anh khẳng định, mục tiêu phát triển của PV Trans không chỉ dừng lại là một đơn vị vận tải biển lớn mạnh mà còn hướng tới trở thành một đơn vị sở hữu chuỗi logistics toàn diện, phù hợp với xu thế của thị trường.

Sau khi nghe các báo cáo, phân tích, đánh giá, mục tiêu dài hạn của PV Trans, các ý kiến từ các Ban chuyên môn, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đã biểu dương và đánh giá cao năng lực của PVTrans đã thực hiện quản trị hiệu quả, dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận trong khối dịch vụ.

Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đề nghị PVTrans tập trung bám sát mục tiêu quản trị, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra; rà soát lại kết quả đã thực hiện được trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các vướng mắc để cùng tập đoàn tập trung tháo gỡ.

Duy Quang