PVN: Cần nhận diện rõ để vượt qua khó khăn

Năm 2014, trong điều kiện khó khăn hơn bao giờ hết, ngành Dầu khí đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đảm bảo sản xuất an toàn, an ninh dầu khí trên biển, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.
Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2105 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tròn vai của ngành kinh tế số 1

Hoạt động của ngành Dầu khí trong năm qua đã chịu tác động sâu sắc của bối cảnh quốc tế phức tạp. Tuy nhiên, trước những khó khăn thách thức đó, Tập đoàn Dầu khí đã có những giải pháp, kịch bản đối phó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách toàn diện. Doanh thu đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch Chính phủ giao; gia tăng trữ lượng đạt 137,5% so với kế hoạch. Đặc biệt khai thác dầu thô trong nước vượt 1,18 triệu tấn so với kế hoạch năm, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước năm 2014 đạt 5,98%. Công tác đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước và mở rộng đầu tư ra nước ngoài tích cực, có uy tín. Qua đó, thương hiệu Petrovietnam tiếp tục được khẳng định trong lĩnh vực dầu khí quốc tế.

Công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, giá dầu thô giảm mạnh trong quý IV, nhưng nộp ngân sách của PVN vượt 37,6 nghìn tỷ đồng và chi cho công tác an sinh xã hội 500 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương thành tích xuất sắc toàn diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá cao lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật của Dầu khí trong năm qua đã có sự phát triển vững vàng, chiếm 32% doanh thu toàn Tập đoàn.

Những kết quả đạt được của PVN trong các mặt sản xuất kinh doanh, đầu tư; đào tạo cho đến an sinh xã hội... cho thấy PVN đã và đang tròn vai là ngành kinh tế số 1 của đất nước.

Kiên quyết vượt qua khó khăn

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011- 2015, năm thứ 10 thực hiện Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần bám sát giá dầu, theo dõi sát sao diễn biến giá dầu để có các giải pháp kịp thời ứng phó với biến động xấu nhất. Đồng thời, đưa ra các giải pháp về quản trị doanh nghiệp, tài chính và đặc biệt là về khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí và phải vận hành đảm bảo an toàn các nhà máy/công trình khí.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Từ Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: Nếu giá dầu giảm ở mức dưới 50USD/thùng như hiện nay thì VSP sẽ hụt thu tới 2,3 tỉ USD, trong đó phần để lại phía Việt Nam chỉ khoảng 700 triệu USD. Điều này sẽ dẫn đến tình hình tài chính của liên doanh rất khó khăn, đặc biệt Hội đồng liên doanh VSP vừa họp vào cuối năm 2014 đã đưa ra doanh thu bán dầu là 3,87 tỉ USD (lấy giá dầu kế hoạch là 100USD/thùng).

Trước tình hình này, không riêng gì lĩnh vực khai thác, tìm kiếm thăm dò, mà lĩnh vực chế biến cũng gặp khó khăn hơn. Ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), cho biết, năm 2015, Chính phủ đồng ý cho BSR tự nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc - Hóa dầu Dung Quất nâng công suất từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, để dự án hoàn thành theo kế hoạch, ông Giang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Ban chỉ đạo nhà nước dự án nâng cấp Nhà máy như giai đoạn 1 để có những xử lý kịp thời, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ Nhà máy.

Dù trước những thách thức lớn đó nhưng năm 2015, PVN đưa ra kế hoạch: Gia tăng trữ lượng 35-40 triệu tấn dầu quy đổi; Khai thác dầu thô 26,6 triệu tấn dầu quy đổi; 9,8 triệu m3 khí; sản lượng điện 19,3 tỷ kWh. Tuy nhiên trước những biến động của giá dầu thế giới, Tập đoàn đã có những kịch bản nhằm ứng phó với biến động khó lường này.

Với các kịch bản giá dầu khác nhau, PVN cũng xây dựng các kế hoạch doanh thu, nộp ngân sách và các chỉ tiêu tài chính để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, đảm bảo các nhiệm vụ kinh tế, chính trị được giao cho năm tài chính 2015.

Chia sẻ với những khó khăn của Tập đoàn thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tình hình kinh tế, chính trị thế giới sẽ có nhiều dự báo khó lường, có nhiều thách thức, tác động tới nền kinh tế nói chung, ngành Dầu khí nói riêng, vì vậy, ngành Dầu khí cần tiếp tục nỗ lực, linh hoạt hơn nữa để đảm bảo kế hoạch năm 2015, cũng như chuẩn bị tốt cho các năm tiếp theo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tập đoàn cần nhận diện rõ, vượt qua khó khăn và kiên quyết không lùi các mục tiêu trọng yếu của ngành Dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo bài toán an ninh năng lượng quốc gia.

Theo như kịch bản mà PVN đưa ra, nếu giá dầu năm 2015 giữ ở mức 60 USD/thùng thì tổng doanh thu của Tập đoàn này sẽ đạt 515,1 ngàn tỉ đồng, giảm hơn 230.000 tỉ đồng so với con số đạt được của năm 2014 là 745,5 ngàn tỉ đồng. Năm 2014, giá dầu xuất khẩu bình quân của PVN khoảng 113 USD/thùng. Không chỉ có PVN thiệt hại về doanh thu, mà ngân sách nhà nước cũng bị thiệt hại khá lớn. Với kịch bản giá dầu 60 đô la Mỹ/thùng, thì dự báo mức nộp ngân sách của PVN năm 2015 chỉ đạt 104,2 ngàn tỉ đồng, giảm 74.000 tỉ đồng so với mức nộp ngân sách của năm 2014.

Lê Hằng