Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán: PVT – sàn: HoSE) cho thấy doanh thu thuần đạt 2.438,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp lợi nhuận gộp của công ty đạt 438,3 tỷ đồng trong quý 4/2022, tăng 33,5% so với quý 4/2021.
Bên cạnh đó, PVTrans ghi nhận doanh thu tài chính trong kỳ tăng 37% lên 88,34 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty ghi nhận 276,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022, tăng 16% so với quý 4/2021. Theo giải trình của PVTrans, lợi nhuận được cải thiện tích cực chủ yếu đến từ việc khai thác hiệu quả các tàu đầu tư mới.
Luỹ kế cả năm 2022, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.047,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.160 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 39% so với năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, công ty đã hoàn thành vượt 39% mục tiêu doanh thu và 141,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí xem tại đây.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của PVTrans đạt hơn hơn 14.247 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn tăng gần 28%. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền trong kỳ đã tăng thêm gần 50%, lên 1.921,7 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng 44%, lên 2.583,6 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm 12%, xuống còn 1.290,6 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của PVTrans đã tăng 12,6% trong năm 2022, lên 6.228,5 tỷ đồng (chiếm 43,7% tổng nguồn vốn). Vốn chủ sở hữu của công ty cũng tăng 15% lên 8.018,4 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gần 69%, đạt 1.593 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của công ty trong năm ngoái đạt 2.661 đồng.
Với lĩnh vực hoạt động chính là vận tải dầu thô, xăng dầu thành phẩm và hoá chất, PVTrans đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành dầu khí Việt Nam. Hiện công ty đảm nhiệm việc vận chuyển dầu thô đầu vào, sản phẩm LPG đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vận chuyển dầu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) tiêu thụ, và cung cấp tàu VLCC vận chuyển dầu thô nhập khẩu cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, PVTrans còn đảm nhận vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện. Mặc dù mảng kinh doanh này chỉ chiếm tỷ trọng trong doanh thu nhưng sản lượng vận tải đang tăng qua từng năm khi nhu cầu về nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước tăng lên. Công ty cũng định hướng phát triển mảng vận chuyển hàng rời ở thị trường trong nước và có kế hoạch đầu tư mới thêm các tàu hàng rời nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện như: Duyên Hải 3, Vĩnh Tân, Sông Hậu…
Chốt phiên giao dịch ngày 31/1, giá cổ phiếu PVT của PVTrans tăng 2,39%, đạt 21.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu PVT đạt gần 2,55 triệu đơn vị.