Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực ở cả 3 khu vực sản xuất (nông nghiệp; công nghiệp; thương mại, dịch vụ) dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo đó, lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9 đạt 24,56 tỷ kWh; lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 232,6 tỷ kWh, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thủy điện và nhiệt điện (than & khí) là hai nguồn cung điện chính với sản lượng lần lượt là 65,57 tỷ kWh và 132,46 tỷ kWh, lần lượt chiếm 28,2% và 57% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Với nhu cầu tiêu thụ điện mạnh, Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng điện tiêu thụ điện cả năm nay sẽ đạt mức 275 tỷ kWh, tăng 9,5% so với năm 2023, và dự kiến tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Trong đó, thủy điện sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu sản lượng điện toàn hệ thống vào năm 2025 nhờ điều kiện thuỷ văn thuận lợi hơn khi pha La Nina diễn ra. Bên cạnh đó, nhiệt điện khí LNG với việc nhiệt điện than không còn dư địa để phát triển (tối đa 30,1 MW tới năm 2030, thực tế 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt 29,5 MW).
Nguồn năng lượng tái tạo mới hiện vẫn chờ hoàn thiện các cơ chế cần thiết để đẩy mạnh triển khai.
Tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng bắt đầu cao hơn so với cùng kỳ do pha El Nino đã đi qua. Chứng khoán Rồng Việt nhận định, sản lượng các doanh nghiệp thủy điện sẽ cải thiện đáng kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm 2025.
Thực tế, sản lượng thương phẩm của các doanh nghiệp thủy điện trong chu kỳ La Nina thường cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10-20%, do chi phí sản xuất hiện ở mức thấp nhất so với các nguồn điện khác.
Dữ liệu cho thấy chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 - 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1.100 - 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.
Cũng theo Chứng khoán Rồng Việt, do áp lực khi chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021 - 2023, EVN đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha (sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát) giữa các loại hình phát điện. Tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành.
Ở mức alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao (điển hình là giai đoạn nắng nóng trong 6 tháng đầu năm). Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện lớn (trên 30 MW), vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Do vậy, mặc dù pha La Nina đang có xác suất cao sẽ diễn ra từ nửa cuối năm nay, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ điện lớn sẽ chưa thực sự bật tăng mạnh ngay trong năm 2024. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuỷ điện nhỏ (nhỏ hơn 30 MW) đang bắt đầu ghi nhận các tín hiệu khả quan.
Đáng chú ý, tỷ lệ alpha 98% là tỷ lệ cao nhất mà EVN có thể áp cho nhóm thủy điện, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Theo đó, trong kịch bản thận trọng của Chứng khoán Rồng Việt, tỷ lệ alpha này sẽ duy trì trong năm 2025 thì sự cải thiện của nhóm thủy điện được kỳ vọng sẽ đến từ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina.
Đối với kịch bản tích cực, tỷ lệ alpha được điều chỉnh giảm thì kết quả kinh doanh năm 2025 của nhóm thủy điện lớn (có công suất trên 30MW) sẽ cải thiện mạnh khi tăng trưởng sản lượng nhờ pha La Nina. Đặc biệt với việc EVN vừa được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện thì tỷ lệ alpha có nhiều khả năng được điều chỉnh ở mức hợp lý hơn.