Quan điểm Luật Điện lực (sửa đổi) quy định khung là hợp lý, cần thiết

Nhấn mạnh sự cần thiết sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng quan điểm Luật quy định khung, các nội dung chi tiết do Chính phủ quy định là hợp lý, cần thiết.

Trao đổi với Tạp chí Công Thương, chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, quan điểm Luật Điện lực (sửa đổi) quy định khung, các nội dung chi tiết do Chính phủ quy định là hợp lý, cần thiết. Không phải là việc tránh cho cơ quan soạn thảo, hay các cơ quan thẩm tra, mà xuất phát từ tình hình thực tế.

Thứ nhất, hiện nay công nghệ phát triển thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ của các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Nếu quy định quá cụ thể thì sẽ phải điều chỉnh, phải sửa luật sớm. Như trường hợp Luật Quy hoạch vừa ban hành 2017, 2019 mới thực hiện và bây giờ đã thấy rất nhiều vấn đề không hợp lý.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa thị trường điện trong khi các nước khác chưa có thị trường điện như Việt Nam. Nếu chúng ta làm “cứng”, làm cụ thể quá thì sẽ phải điều chỉnh. Cho nên có một số điều khoản bắt buộc phải chuyển cho Chính phủ để tùy trong thời đoạn 5 - 7 năm Chính phủ theo tình hình cụ thể ban hành các văn bản như nghị định hoặc dưới nữa là các thông tư của cấp bộ phù hợp với tình hình.

Nguyễn Anh Tuấn Luật Điện lực
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. 

Cùng ý kiến trên, PGS.TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết hoàn toàn đồng ý với quan điểm Luật quy định khung, các nội dung chi tiết do Chính phủ quy định. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, các công nghệ, mô hình vận hành trong ngành điện và năng lượng thường xuyên được cập nhật. Vì vậy các quy định chi tiết cần được điều chỉnh thường xuyên phù hợp tình hình thực tế.

"Để đáp ứng được yêu cầu này, Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ nên đưa ra các quy định khung. Các điều khoản chi tiết sẽ do Chính phủ, Bộ Công Thương quy định. Trong một số trường hợp, cần lấy ý kiến của các bên liên quan để điều chỉnh các quy định", PGS.TS. Nguyễn Đức Huy nêu ý kiến.

PGS.TS. Nguyễn Đức Huy
PGS.TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 26/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt quan điểm, nguyên tắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đó là “những vấn đề thực tế biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, “không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.

Nguyễn Văn An
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 26/10. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong khi đó, thảo luận tại Tổ 15, chiều 26/10 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy mong muốn: “Nếu đủ rõ, đủ thông để có thể thông qua được tại Kỳ họp thứ 8 là điều tốt nhất”.

Đỗ Đức Duy

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy  thảo luận tại Tổ 15 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 26/10. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Chính phủ thấy rõ sự cấp thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảm năng lượng cho phát triển các ngành kinh tế của đất nước.

Chính phủ đã nghiên cứu và chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Ban đầu cũng có ý kiến cho rằng là lựa chọn một số chính sách, một số vấn đề vướng mắc rất cấp thiết để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này nhưng xét thấy, nếu chỉ sửa một vài vấn đề, một vài chính sách thì không giải quyết được tổng thể về an ninh năng lượng cũng như đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo...

Chính phủ rất mong muốn các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu dự án luật này. Nếu thấy đủ rõ, đủ thông, nhất là thống nhất và không có nhiều các ý kiến, quan điểm khác nhau để có thể thông qua được Kỳ họp thứ 8 này thì đó là điều tốt nhất và rất cần thiết.

"Chúng ta đang nỗ lực về đích các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ, trong đó nếu giải quyết bài toán điện lực, bài toán năng lượng thì góp phần rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Việt Hằng - Ngọc Châm (thực hiện)