Quản lý nhà nước về ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra nhiều bất cập

Hóa chất là ngành có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Phát thải hóa chất ra môi trường có thể xảy ra trong trường hợp có sự cố hóa chất (cháy,

Quản lý hóa chất còn nhiều lỏng lẻo

Ngành hóa chất gồm 12 phân ngành chủ chốt như sản xuất phân bón, cao su, chất tẩy rửa, công nghiệp hóa dầu, hóa dược... là ngành công nghiệp quan trọng phục vụ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Đồng thời, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất cũng có những đóng góp lớn cho ngành kinh tế và đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da... đều sử dụng hóa chất. Đặc tính hóa chất chủ yếu mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn.

Ảnh minh họa

Nhiều năm qua, các chất thải hoá chất bị thải bỏ bừa bãi trên mặt đất, ra khí quyển và vào nguồn nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.

Bộ Công Thương cũng cho biết, địa phương có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn hóa chất cao nhất là TP. Hồ Chí Minh. Thống kê từ năm 2010 đến hết năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 8 người, bị thương 7 người.  Riêng trong năm 2014 xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Một ví dụ điển hình của việc vi phạm các quy định quản lý hóa chất là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đăng Huỳnh tại TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng tiền chất thuốc nổ để sản xuất phân bón, gây ra sự cố nổ nhà máy vào tháng 10/2014 dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 4 người và 3 người bị thương. 

Việc quản lý hóa chất hiện nay vẫn chưa được thắt chặt nên các hoạt động kinh doanh trái phép cũng diễn ra mạnh mẽ. Điển hình, qua kiểm tra ngay tại chợ Kiêm Biên, hóa chất dùng trong công nghiệp và hóa chất được sử dụng trong thực phẩm được bày bán lẫn lộn. Mẫu xét nghiệm của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy trong số hơn 5.000 mẫu thực phẩm được đưa đi kiểm nghiệm có tới 20% mẫu thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều hoạt động sản xuất đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước. Qua công tác kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin, về phiếu an toàn hoá chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp… Đặc biệt là hiện tượng hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất, đây là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe con người dễ xảy ra các sự cố phát sinh từ hóa chất. Vẫn còn một số cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất độc hại nằm xen lẫn trong khu dân cư. Một số doanh nghiệp không xây dựng phương án ứng cứu sự cố rò rỉ hay tràn đổ hóa chất theo đúng quy định. 

 Tăng cường quản lý doanh nghiệp, phòng chống ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra

 Để khắc phục tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho rằng, Nhà nước cần ban hành các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất; thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất; Thực hiện nghiêm chế độ xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về hoạt động hóa chất và môi trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất; Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện an toàn hóa chất trong phạm vi cả nước; hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm; Hướng dẫn, quản lý việc phân loại và ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu; Xác định lộ trình áp dụng các quy định về phân loại đối với chất, hỗn hợp chất; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất và an toàn hóa chất...


Việc kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định, thường xuyên bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn hóa chất. Có người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.


Các doanh nghiệp phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, thường xuyên thực hiện các cải tiến kỹ thuật, tiếp thu và áp dụng các công nghệ sản xuất mới, hiện đại, ít chất thải; Áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn, thực hiện trách nhiệm xã hội…; nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu và triệt tiêu các nguy cơ gây mất an toàn trong sản xuất, lưu giữ hóa chất; Các nguồn thải phải được lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, đảm bảo các quy định về thải nước thải, khí thải, chất thải rắn… 


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sinh - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất (Cục Hóa chất - Bộ Công Thương) cho biết, Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất trực thuộc Cục Hóa chất, Bộ Công Thương được giao thực hiện nhiệm vụ về quản lý an toàn hóa chất, như: chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tham gia phổ biến các văn bản pháp lý và thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng hóa chất cho các doanh nghiệp…


Để thực hiện nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, các quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất; Phổ biến các kỹ năng cơ bản cho doanh nghiệp giảm thiểu tác hại của hóa chất đến con người và môi trường, bằng các biện pháp cách ly nguồn phát sinh hoá chất nguy hiểm với người lao động bằng các khoảng cách an toàn hoặc che chắn nguồn hóa chất nguy hiểm nhằm ngăn cách mọi nguy cơ liên quan tới hóa chất đối với người lao động; Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhằm ngăn ngừa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất như mặt nạ phòng độc, kính an toàn, quần áo, găng tay, giày ủng.... Ngoài ra, Trung tâm giúp các doanh nghiệp xây dựng kịch bản và hướng dẫn tổ chức hoạt động diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.