Quản lý thị trường phân bón

Nhằm đánh giá sát thực về thị trường phân bón và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về quản lý phân bón mới thay thế cho Nghị định 113/2003/NĐ-CP, ngày 27/5/2013, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội

Báo động sản xuất, kinh doanh phân bón giả

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hiện nay đáng báo động và diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Cụ thể là tình trạng sản phẩm phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng, các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp hơn tới 80% mức quy định bị phát hiện ngày càng nhiều và khá phổ biến.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Thủ đoạn vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón thời gian qua khá tinh vi. Các đối tượng buôn lậu tập kết sản phẩm nhập lậu gần đường biên giới rồi thông qua hình thức trao đổi hàng hóa, đồng thời đánh tráo bao bì vận chuyển sâu vào nội địa. Trong quá trình vận chuyển thường có cư dân biên giới đi kèm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Đặc biệt, các đối tượng này còn dùng bao bì có màu sắc khác, ghi tiếng Anh để đánh tráo với bao bì gốc.

Các loại phân bón này thường thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố, không đạt mức sai số định lượng so với mức quy định. Thậm chí, những sản phẩm này còn pha bị trộn thêm bột đá, đất sét, phẩm màu để tận thu lợi nhuận.

Chất lượng phân bón đang được quản “ngược”

Bà Nguyễn Kim Liên cho biết, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ở nước ta đang trong tình trạng báo động, nguyên nhân chủ yếu là do ai cũng có thể sản xuất, kinh doanh phân bón.

Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng đã có trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng do không kiểm tra được nguồn gốc nên Nhà nước chỉ còn cách “bỏ ngỏ” chất lượng.

Mặt khác, việc quản lý phân bón theo Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng phải thực hiện qua 13 thủ tục hành chính khác nhau như hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất và xu hướng quốc tế vì rất tốt kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu (trên 5.000 loại có trong Danh mục) nên không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp.

Đại diện nhiều địa phương đã lên tiếng về việc chất lượng phân bón Việt Nam đang bị quản “ngược”. Ông Trần Xuân Nhuệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, hiện chúng ta quản lý phân bón theo danh mục được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông ban hành và bổ sung hàng quý. Chính vì sự quản “không giống ai” này, mà tra danh mục thì có tên sản phẩm phân bón nhưng không biết sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao?

Ông Trương Hợp Tác - Trưởng Phòng Phân bón, Cục Trồng Trọt (Bộ Nông nghiệp) cũng thừa nhận rằng: Việc quản lý phân bón theo danh mục như hiện nay vừa tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được truy suất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Đến những người quản lý như chúng tôi còn không tra nổi, nói gì tới doanh nghiệp, nông dân. Chưa kể, vào được danh mục này, sản phẩm phân bón phải mất 1,5 năm từ khi sản xuất mới ra được thị trường, khiến nhà sản xuất cũng “oải”.

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Công ty TNHH Toàn Xuân (Nam Định) cho rằng: quy định điều kiện mới khống chế được phân bón giả, kém chất lượng.

Cũng do không có điều kiện nên không truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, đưa thành mặt hàng có điều kiện sẽ giúp cơ quan quản lý truy được nguồn gốc, quản lý thị trường phân bón cũng sẽ “nhẹ” đi rất nhiều, ông Trương Hợp Tác nhận định.

Đảm bảo quản lý từ gốc tới ngọn

Ông Nguyễn Hồng Vinh - Phó Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí cũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về điều kiện để việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón được thống nhất.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần quản lý chất lượng phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo quản được từ gốc đến ngọn. Ông Trương Hợp Tác cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành 33 quy chuẩn và đang hoàn thiện gần 50 quy chuẩn và 2 tiêu chuẩn với phân bón hữu cơ, chỉ chờ Nghị định phân bón ra đời là ban hành. Bộ cũng sẽ bãi bỏ 13 thủ tục hành chính về khảo nghiệm, công nhận, lập Danh mục phân bón nêu trên. Thay vào đó, sẽ tiến tới xã hội hóa công tác khảo nghiệm tức là các nhà sản xuất tự khảo nghiệm và chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình.

Tập trung điều tiết cung cầu

Mặt khác, do sản xuất phân bón kéo dài cả năm nhưng tiêu dùng chỉ tập trung vào một số thời điểm mùa vụ nên mặc dù tổng nguồn cung đáp ứng đủ tổng nhu cầu nhưng thị trường vẫn dễ xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ vào giai đoạn mùa vụ cao điểm. Vì vậy, theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần tập trung vào điều tiết cân đối cung cầu phân bón thông qua cơ chế dự trữ lưu thông phân bón, đồng thời triển khai quy hoạch hệ thống sản xuất, phân phối mặt hàng này đã được phê duyệt tại Quyết định số 6868/QĐ-BCT ngày 27/12/2010, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới cung ứng trực tiếp tới người nông dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có các chính sách kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, các chương trình xúc tiến thương mại, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý.

Nghị định 15/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón còn chưa đủ để răn đe, mức phạt thấp dễ tái phạm, do vậy dự thảo Nghị định mới cũng cần xem xét tới việc nâng mức độ xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả do các vi phạm gây nên.

Cục Quản lý thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các chi cục nhằm cập nhật nhanh nhất những thông tin về thị trường.

Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm hoàn thành Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Giá, nhanh chóng đưa phòng kiểm nghiệm chất lượng phân bón vào hoạt động... làm căn cứ cho lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Hoài Thu