Sâm Ngọc Linh tạo diện mới và nguồn thu nhập ổn định
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay cây Sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam được xác định là 15.567 ha. Tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh.
Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn Sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My. Tỉnh cũng có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh.
Theo ông Hồ Quang Bửu, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Sâm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Các đợt xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh có điều kiện tham gia trên các diễn đàn kết nối giao thương với các nhà phân phối xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thế mạnh về chuyển đổi số nhằm phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ và thời gian xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm Sâm Ngọc Linh của Quảng Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và nước ngoài.
“Bên cạnh công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam cũng xác định việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh kết hợp các tour du lịch là một trong những điều kiện để thúc đẩy kinh tế vùng Sâm”, ông Bửu thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết thêm, thời gian qua, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu M’rông (tỉnh Kon tum) cũng định hướng xây dựng quần thể du lịch giữa 2 huyện.
Trong giai đoạn 2015-2020, các huyện đã tổ chức một số buổi làm việc, trao đổi để xúc tiến triển khai dự án. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở (như giao thông, điện, mạng thông tin liên lạc…) chưa đáp ứng, số lượng du khách tìm 4 đến chưa nhiều, nhà đầu tư còn e ngại nên đến nay dự án vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên, về phía tỉnh Quảng Nam, để chủ động nắm bắt cơ hội, tranh thủ khai thác các lợi thế, trong giai đoạn 2015-2020 đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai dự án xây dựng khu du lịch vùng Sâm Tắc-Ngo; Quy hoạch xây dựng làng văn hóa Mô Chai; Triển khai dự án xây dựng khu du lịch vùng Sâm Tắc-Ngo; Quy hoạch xây dựng làng văn hóa Mô Chai.
Công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh trong thời gian qua tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa có văn bản hướng dẫn xác định thế nào là Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên; chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu nguyên liệu tập trung theo GACP; khó khăn về nguồn nhân lực; về việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh; Luật Đất đai…
Nhiều kiến nghị, đề xuất tới Quốc hội, Chính phủ
Để tạo điều kiện phát triển hơn nữa các sản phẩm về cây dược liệu (trong đó xem cây Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực), mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này về việc kiến nghị, đề xuất một số chủ trương phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Theo đó, Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu Sâm Ngọc Linh được xem là cây quốc bảo của Việt Nam.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 thì sản phẩm dược liệu được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực (trong đó cây Sâm Ngọc Linh được xem là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia) từ đó xây dựng tỉnh Quảng Nam thành vùng dược liệu cấp quốc gia.
Xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các huyện miền núi cao của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện các Đề án, dự án về phát triển Sâm Ngọc Linh dự kiến triển khai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ một số nội dung.
Trong đó, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam.
Chính phủ quan tâm chủ trì sơ kết thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thời gian 6 tới để thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh, nâng cấp quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km, tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù; dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ. Đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh dài 60 km; dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển Sâm tại Quảng Nam (Vingroup, TH True milk,…). Chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng Sâm Việt Nam (đề xuất ngày 01/8 hằng năm).