Quảng Ngãi: Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông Khu kinh tế Dung Quất

Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng phát triển sẵn có, trong thời gian tới KKT Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng là "Khu kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững".

Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế điểm miền Trung. Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực để phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn Khu kinh tế.

Với quy mô diện tích 45.332 ha, KKT Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có trung tâm lọc hoá dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí - luyện kim và trung tâm logictics lớn của khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, là đầu mối vận chuyển hàng hoá và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời Dung Quất là một trong những khu kinh tế được Chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi về thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất hiện nay.

Như vậy, cảng biển nước sâu, hệ thống bến cảng chuyên dụng, giao thông đồng bộ từ đường sắt, hàng không, đường bộ, chính sách thuế ưu đãi…là những lợi thế lớn mà Dung Quất dành cho nhà đầu tư. Đây là lực lượng sản xuất tại chỗ, là nền tảng quan trọng để nhà đầu tư an tâm về lực lượng sản xuất khi đầu tư vào Dung Quất.

Tính đến nay, Dung Quất đã thu hút 350 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 396.800 tỉ đồng, trong đó có 66 dự án FDI. Vốn thực hiện đến nay khoảng hơn 12 tỉ USD. Với 212 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho 74.000 lao động, trong đó nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như Doosan, Hòa Phát, Lọc hóa dầu Bình Sơn…

Dung Quất
KKT Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực

Dự kiến đến quý 1 năm 2025 sẽ phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu còn lại. Một quỹ đất cực lớn để phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ được mở ra cho nhà đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng phát triển sẵn có, trong thời gian tới KKT Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng là "Khu kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững", tiếp tục sẽ là động lực, là hạt nhân tăng trưởng của kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tuy nhiên, để KKT Dung Quất thực sự phát triển theo đúng định hướng quy hoạch, việc ngân sách nhà nước cần tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và tiện ích cho KKT Dung Quất, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án lớn đang được triển khai tại khu vực này đã kéo theo nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng hóa tăng đột biến, gấp hàng trăm lần so với trước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, nhiều tuyến đường giao thông cũng như cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế đã xuống cấp, trong khi kinh phí để đầu tư cho khu kinh tế này còn rất hạn chế.

Hiện có toàn Khu kinh tế có 29 tuyến giao thông với tổng chiều dài gần 50km. Hầu hết các tuyến đường đều được xây dựng đã lâu, quy mô đầu tư tương đối nhỏ, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Một số tuyến có độ dốc lớn, bị xuống cấp nghiêm trọng, thiếu hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước dọc theo các tuyến giao thông xuống cấp, gây ngập úng mặt đường vào mua mưa. Tình trạng này ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao thông, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng trên, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2027. Giao Ban Quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư.

Quy mô đầu tư, gồm: nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới tuyến đường Trì Bình - vòng xoay Thiên Đàng (dài khoảng 3,4km); tuyến vòng xoay Thiên Đàng - Chu Lai (dài khoảng 1,8km); tuyến nối Quốc lộ 1A - Tịnh Phong - Bình Tân, giai đoạn 1 (dài khoảng 1,5km); tuyến Lâm Viên-Vạn Tường (đầu tư mới đoạn cuối tuyến dài khoảng 1,1km).

Dự án đã được cấp thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương là 100 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Phần vốn còn lại của dự án sẽ được tiếp tục bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030.

Dung Quất
KTT Dung Quất là đầu mối vận chuyển hàng hoá và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Theo kế hoạch, dự án sẽ trình cấp thẩm quyền bố trí vốn để khởi công trong năm 2025 theo kế hoạch trung hạn được giao. Tuy nhiên, hiện dự án mới chỉ được giao kế hoạch trung hạn nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư nên chỉ đáp ứng được một trong hai điều kiện để giao vốn năm theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công 2019. Để đủ điều kiện trình cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn năm 2025, Ban Quản lý kiến nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đầu tư dự án để đảm bảo điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2025 theo quy định.
Sau báo cáo, đề xuất của Ban Quản lý, ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền giao Ban Quản lý khẩn trương phối hợp với cơ quan chuyên môn trình cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư dự án; sớm triển khai thực hiện dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả và mục tiêu đầu tư đề ra để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đảm bảo kết nối, liên thông Khu kinh tế Dung Quất với các khu vực xung quanh, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển của khu kinh tế trong thời gian tới.

Dung Quất là khu kinh tế mở được thành lập năm 2005 theo quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải. Đây là nơi triển khai nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất; Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2…Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định “Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất” và “Phát triển đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo”. Đây là một quyết sách rất quan trọng của Bộ chính trị cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ chính trị đối với sự phát triển KTXH của vùng miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi; việc thực hiện 02 nhiệm vụ này sẽ là động lực và tạo ra đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với hạt nhân là KKT Dung Quất.

Bảo Vy