Quảng Ninh học tập và làm theo lời Bác, với niềm tin, niềm kính trọng trong tâm hồn mỗi người dân

Năm 2013, vừa tròn 50 năm, kể từ ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là

50 năm đã qua, lớp lớp các thế hệ những người con Quảng Ninh đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành, cùng nhau đoàn kết, vun đắp, dựng xây cho quê hương mình ngày càng giàu đẹp, và càng thêm tự hào biết bao về vùng đất hội tụ của “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Biết bao nhiêu bài văn, tứ thơ, bản nhạc, bức họa, tập ảnh, khối điêu khắc, thước phim... đã khắc họa lên vùng đất, con người nơi đây, đã trở thành tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian, đi cùng năm tháng, làm lay động lòng người. Nhưng không phải ai cũng hiểu tư tưởng, tình cảm và ước mong của Người chứa đựng trong tên gọi quê hương “QUẢNG NINH”. Bác Hồ nói "Quảng là rộng lớn, Ninh là yên vui, bền vững, Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững".. . Quảng Ninh cũng là một trong số rất ít tỉnh may mắn có được chín lần đón Người về thăm, đây cũng là nơi duy nhất mà sinh thời Người cho phép được dựng tượng của Người. Hình ảnh, tư tưởng, đạo đức và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cũng như trong lòng mỗi người dân Quảng Ninh và cả nước Việt Nam. Việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người đối với tỉnh Quảng Ninh, đã được triển khai thực hiện với một niềm tin, niềm kính trọng riêng có trong tâm hồn, đã đi vào cuộc sống thường nhật của mỗi người dân nơi đây…

Thấm nhuần lời Bác dạy “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; mỗi cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”; “chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa…” từ sự thấm nhuần sâu sắc lời Bác dạy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã lựa chọn củng cố niềm tin với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; gắn thực hiện Chỉ thị 03 với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV về một số nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Đảng. (1) đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, chất lượng đảng viên; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; (2) Công khai, minh bạch và mở rộng nguồn phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ; thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo; (3) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm, kiên quyết chỉ đạo giải quyết những bức xúc của nhân dân, chấn chỉnh quản lý trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quản lý xây dựng cơ bản; rà soát, thu hồi 179 dự án “treo”, chậm, sai mục đích, vi phạm pháp luật; (4) cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 80% thủ tục, lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, chấn chỉnh đạo đức công vụ, mở rộng dân chủ tăng cường đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm túc, dứt điểm những sai phạm; minh bạch và công khai kết quả giải quyết lấy thước đo là sự hài lòng của nhân dân.

Bác dạy “Luôn cầu tiến bộ. Không cầu tiến bộ thì dừng lại…” Tỉnh đã trăn trở về tổng kết thực tiễn, áp dụng lý luận trong xây dựng mô hình mới đáp ứng yêu cầu của quy luật phát triển, xây dựng và và trình Bộ Chính trị Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đề xuất “Xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn” với mong muốn phát huy nội lực, thu hút đầu tư, tăng cường công nghệ, áp dụng các cơ chế, chính sách mới có sức cạnh tranh toàn cầu; trải nghiệm thể chế để đi trước, để bứt phá.


Khắc sâu hình ảnh, tư tưởng, tâm nguyện của Người, Đảng bộ Quảng Ninh đã chuyển tải được “ham muốn tột cùng” của Bác “là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc” làm phương châm, định hướng lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh…

Quảng Ninh đã tập trung (1) thực hiện đồng bộ các giải phát phát triển kinh tế - xã hội, tìm mọi biện pháp để huy động, hợp tác công tư và ứng ngân sách hoàn thành dứt điểm các hại tầng giao thông huyết mạnh, tạo động lực cho phát triển, nhất là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa (Quốc lộ 18C lên cửa khẩu Hoành Mô; đường tỉnh lộ 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, 329 Mông Dương - Ba Chẽ, nâng cấp quốc lộ 18 A đoạn Uông Bí - Hạ Long …) chuẩn bị tích cực cho các dự án hạ tầng động lực khác, đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Vân Đồn, đường cao tốc… (2) đồng thời chăm lo đầu tư các công trình văn hóa, cải thiện môi trường du lịch (xây dựng công viên cây xanh, nhà bảo tàng, thư viện, công trình thể thao vùng Đông Bắc, phủ sóng Wifi kết nối thông tin mạng; (3) Xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư, triển khai xây dựng phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) và các công trình sản xuất công nghiệp có vai trò động lực (nhiệt điện, xi măng, vật liệu xây dựng khác, sợi, cảng biển, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại); (4) chung tay xây dựng nông thôn mới; (5) tăng cường quốc phòng an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại (6) tăng 640% mức tổng chi đảm bảo an sinh xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ (so với 3 năm 2006-2008) để thực hiện các công trình thiết yếu: nước sạch, thủy lợi, điện sinh hoạt nông thôn, trường học (72,1% trường đạt chuẩn quốc gia, trung bình cả nước là 30,9%) , bệnh viện (số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 42,3, gần gấp đôi bình quân chung cả nước 21,5 giường), hệ thống nhà văn hóa thôn, khu, khe, bản... phục vụ đời sống nhân dân; (7) Cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chỉ số phát triển con người lên 0,828 thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước; chăm lo xóa đói, giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, gần 12.000 hộ), đào tạo lao động, giải quyết việc làm (tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2.910 USD/người/năm tăng, gấp 1,7 lần so với cả nước (1.540 USD).


Điều đáng nói ở đây, rất nhiều những chủ trương định hướng lớn của Tỉnh, được quyết định dựa trên sự thấm nhuần sâu sắc những điều căn dặn của Bác. Tỉnh đã quyết định xây dựng khẩu hiệu hành động cho toàn Đảng bộ “Đoàn kết, thống nhất-năng động, sáng tạo-dân chủ, kỷ cương-xây Quảng Ninh giàu mạnh”. Khắc ghi lời dạy của Người trong lần về thăm Quảng Ninh tháng 3 năm 1959 “Ngày trước chúng ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay chúng ta có ngày, có trời và có biển. Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” và “Thủ đô hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”, tỉnh đã đề xuất với Bộ Chính trị cho Quảng Ninh được chỉ đạo điểm việc thực hiện chiến lược biển với việc tập trung phát triển hệ thống cảng, vận tải biển, du lịch, ngư nghiệp…

Những kết quả trên không chỉ là nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn là sự đồng thuận cao, quyết tâm lớn, cùng chung tay, chung sức vào cuộc với tấm lòng kính trọng và niềm tin sắt son bền vững của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Quảng Ninh, cùng với sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của cả nước. Vừa qua, có nhiều sự kiện đáng ghi nhận đó là Quảng Ninh đã tổ chức phát động sáng tác, tìm hiểu về quê hương Quảng Ninh, về Bác Hồ với Quảng Ninh, đã có tỷ lệ 1/5 dân số của Tỉnh tham dự với trên 210.115 bài, tác phẩm dự thi. Cuộc thi đã tạo được niềm tin mới, niềm tự hào lớn lao trong lòng nhân dân, để mỗi người dân Quảng Ninh hiểu biết thêm về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của quê hương mình, cái nôi sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “Kỷ luật – đồng tâm”. Đoàn kết, bất khuất, kiên trung, quyết tâm đấu tranh giành độc lập tự do, không tiếc gì máu xương, không ngại chi gông cùm, xiềng xích… Thực tế đã chỉ rõ lời Bác dạy vô cùng thiết thực “Việc gì khó dân liệu cũng song”. Việc đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, có thể nói đây là quyết định táo bạo của tỉnh Quảng Ninh, công trình điện lưới đầu tiên của cả nước vượt biển ra đảo xa. Một dự án lớn (tổng đầu tư trên 1.100 tỷ) xa đất liền gần 50km, chưa có tiền lệ, lại thực hiện thi công trong điều kiện kinh tế suy thoái, nguồn ngân sách eo hẹp. Nhưng Quảng Ninh đã dồn cả tâm sức thực hiện trong điều kiện khó khăn, phải nỗ lực cao, nhưng cũng phải tiết kiệm chi ngân sách, đã được sự đồng tâm hợp lực của nhân dân toàn tỉnh, sự sẻ chia của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhân trong cả nước, cùng với quyết tâm sắt đá của cán bộ công nhân ngành Điện, đang ngày đêm lăn lộn trên công trường đầy bão tố, phong ba và sóng gió, tiến gần tới ngày cập bến thành công.

Quảng Ninh, mảnh đất địa đầu biên cương của Tổ quốc, nơi được tạo hóa ban tặng cho vùng đất đẹp, giàu và hội tụ của “Thiên – Địa - Nhân” đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nỗ lực làm thức dậy những tiềm năng phong phú đó, bằng việc gắn với những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhất làm thăng hoa, lan tỏa đến khắp mọi miền trong nước và quốc tế, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là cách thể hiện lòng tôn kính, yêu quý Bác và thực hiện làm theo lời Bác dạy.