Cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây có một ngôi làng được biết đến với danh hiệu “làng bách nghệ”, trong đó có nghề làm quạt giấy nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm của nghề, quạt giấy Chàng Sơn nay đã vươn mình ra thế giới, nhận được nhiều yêu thích đến từ bạn bè khắp bốn phương.
Những con ngõ nhỏ phơi đầy quạt giấy cùng những bó tre tươi nằm ven ngõ dẫn du khách đến với làng quạt truyền thống Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nơi đây, nhà nhà, người người làm quạt giấy. Những tiếng dao bổ tre, những tiếng cắt giấy báo hiệu một ngày làm việc mới bắt đầu.
Quạt giấy Chàng Sơn đòi hỏi những công đoạn tỉ mỉ, kiên trìTheo lời kể của nghệ nhân Nguyễn Kiên, nghề làm quạt giấy Chàng Sơn đã có từ hàng trăm năm nay. Chiếc quạt giấy Chàng Sơn cũng được biết đến gắn liền với nhiều huyền tích, trong đó nổi lên câu chuyện xưa “Hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt giải tâm phiền. Có lẽ vì vậy mà người dân Chàng Sơn bao đời nay vẫn truyền miệng câu thơ:
“Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên
Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền.
Phiền tâm quạt, tay đưa gió
Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”.
Các ghi chép để lại cũng cho biết, ngay từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng xa gần với nhiều mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, vượt đại dương mênh mông sang Paris triển lãm. Chiếc quạt giấy Chàng Sơn chứa đựng giá trị thẩm mỹ, bề dày lịch sử, triết lý đời sống và nét đẹp văn hóa của cả dân tộc.
Quạt giấy Chàng Sơn chứa đựng giá trị thẩm mỹ, bề dày lịch sử, triết lý đời sống và nét đẹp văn hóa của cả dân tộc
Mang theo niềm tự hào ấy, anh Nguyễn Văn Giang - người con của đất Chàng Sơn quyết tâm bám trụ lấy cái nghề, gìn giữ và phát triển bản sắc riêng của Chàng Sơn. Anh Giang chia sẻ rằng: Nghề làm quạt tuy không quá gian nan, vất vả, nhưng đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Người thợ phải bỏ ra nhiều công sức để chọn lựa từng ống tre làm nan quạt, từng sợi mây làm viền và từng thếp giấy làm cánh quạt, tạo nên chiếc quạt ưng ý trao đến tay người tiêu dùng.
Người dân Chàng Sơn quyết định bám trụ với nghề quạt giấy
Dù đã có thời điểm, quạt Chàng Sơn tưởng như không còn tồn tại, nhưng với niềm đam mê, yêu nghề, những thanh niên trẻ như anh Nguyễn Văn Giang đã vực dậy và gìn giữ làng nghề cổ xưa Chàng Sơn, phát triển rộng rãi đi khắp bốn phương. Việc gìn giữ và phát triển nghề làm quạt của thanh niên Chàng Sơn đã khẳng định sức sống của làng nghề truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa quê hương Việt Nam.