Quốc tế nổi bật: Quyết định bất ngờ của ông Donald Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa đưa ra quyết định gây bất ngờ khi đề nghị tỷ phú Stephen Feinberg đảm nhận vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quyết định bất ngờ của ông Donald Trump

Donald Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa đưa ra quyết định gây bất ngờ khi đề nghị tỷ phú Stephen Feinberg đảm nhận vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đặc biệt quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động hàng ngày của Bộ Quốc phòng Mỹ với hơn 3 triệu nhân viên, bao gồm cả quân nhân và nhân viên dân sự.

Ông Stephen Feinberg từng là thành viên Hội đồng Cố vấn tình báo của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử ông Stephen Feinberg được kỳ vọng sẽ làm dịu đi mối lo ngại trong giới quân sự về khả năng lãnh đạo của ông Pete Hegseth, người đang được xem xét cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng vấp phải chỉ trích về khả năng quản lý và điều hành.

Ukraine cần gia nhập NATO

Mark Rutte
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte 

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte vừa đưa ra lời kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine để củng cố vị thế của nước này trong bối cảnh Kiev tham gia đàm phán chấm dứt xung đột với Nga. Ukraine đang rất cần sự hiện diện của mình tại NATO vì điều đó sẽ là sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh tương lai của mình.

Theo Hiệp ước phòng thủ chung Điều 5 của NATO, các thành viên đồng ý coi một cuộc tấn công vào một nước là một cuộc tấn công vào tất cả và hỗ trợ lẫn nhau. Một số thành viên NATO, như Hungary, đã công khai lên tiếng phản đối Ukraine gia nhập liên minh. Nhưng một số quốc gia khác cũng ra tín hiệu rằng họ không nghĩ thời điểm này là thích hợp.

Nga phê phán Mỹ vì hỗ trợ Ukraine

Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa lên tiếng chỉ trích Mỹ khi quyết định gửi thêm một gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine. Ông Dmitry Peskov đã cho rằng động thái này cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm đang nỗ lực gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Joe Biden ước tính có khoảng 4 đến 5 tỷ USD trong quỹ PDA đã được Quốc hội phê duyệt và ông dự định sử dụng số tiền này để hỗ trợ Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.

BRICS là nền tảng hợp tác quan trọng

Lâm Kiếm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm vừa lên tiếng khẳng định rằng khối BRICS là nền tảng hợp tác quan trọng giữa các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung. BRICS hoạt động dựa trên nguyên tắc cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi, không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Ông Lâm Kiếm khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất với các thành viên BRICS để thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

Ukraine gấp rút củng cố phòng tuyến phía đông

Volodymyr Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa đưa ra yêu cầu đẩy mạnh củng cố phòng tuyến phía đông, nơi lực lượng Nga liên tục đạt thắng lợi trong vài tháng gần đây. Yêu cầu của ông Volodymyr Zelensky củng cố phòng tuyến được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này vừa chiếm thêm hai làng Romanivka (vùng Donetsk) và Novodarivka (vùng Zaporizhzhia). Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận Nga tiến hành 38 đợt tấn công gần thị trấn Kurakhove, nhưng không đề cập đến Romanivka nằm lân cận, cũng như Novodarivka.

Namibia có nữ Tổng thống đầu tiên

Netumbo Nandi-Ndaitwah
Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah

Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua vừa đưa ra thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11. Theo đó, bà Netumbo Nandi-Ndaitwah (72 tuổi) đã giành chiến thắng với 57,31% số phiếu bầu. Bà Nandi-Ndaitwah bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng cách tham gia vào phong trào đấu tranh giành độc lập ngầm của đất nước vào những năm 1970. Bà từ Anh trở về nước và tham gia Quốc hội vào năm 1990, sau đó tiếp tục giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền Namibia.

Tổng thống Hàn Quốc trước sức ép từ chức

Yoon Suk Yeol
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc vừa đưa ra lời kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi việc luận tội nếu nhà lãnh đạo này từ chối. Đêm 03/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập làm tê liệt hoạt động của nhà nước. Sau đó, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu và thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.

Rạng sáng 4/12, sau khi Chính phủ phê chuẩn, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh này. Đảng DP nêu rõ: “Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vi phạm Hiến pháp” và “mọi yêu cầu cần thiết cho việc ban bố tình trạng thiết quân luật đều không được tuân thủ”.

Thái Dương