Thổ Nhĩ Kỳ gây 'ngạc nhiên' cho Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov mới đây cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet rằng sự hợp tác quân sự-kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine, trái ngược với tuyên bố của Ankara về việc nước này sẵn sàng làm trung gian trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, đang gây ra sự hiểu lầm với Moskva.
"Tình hình này không thể không gây ngạc nhiên, xét đến tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẵn sàng đứng ra làm trung gian", ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn được Hurriyet công bố hôm 1/11.
Quan hệ Nga - Triều Tiên đạt mức cao kỷ lục
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Choe Son Hui, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói, quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã đạt mức cao kỷ lục trong vài năm qua, nhờ nỗ lực của lãnh đạo hai nước. Ông Lavrov cho biết thêm, đối thoại giữa 2 nước được đẩy lên một tầm cao mới sau khi ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. "Quan hệ đối tác này về cơ bản là chiến lược, bao gồm cả mức độ sâu rộng của cuộc đối thoại chính trị". Ông Lavrov cũng mô tả hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 là một bước rất quan trọng, được đặt nền móng bởi chuyến thăm có ý nghĩa của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại vùng Viễn Đông của Nga vào năm ngoái.
Đức sẽ đóng cửa toàn bộ lãnh sự quán Iran
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 31/10 thông báo nước này sẽ đóng cửa ba lãnh sự quán Iran ở Frankfurt, Munich và Hamburg. "Không phải vô cớ mà quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang ở mức thấp nhất mọi thời đại", bà cho hay.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết quyết định đóng cửa ba lãnh sự quán của Iran sẽ ảnh hưởng đến 32 nhân viên lãnh sự. Ngoại trưởng Baerbock không đề cập đại sứ quán Iran tại Berlin, nhưng cho biết Đức sẽ tiếp tục duy trì các kênh ngoại giao và đại sứ quán tại Tehran để tiếp tục "gây sức ép yêu cầu thả những công dân Đức đang bị giam giữ phi lý".
Động thái diễn ra sau khi truyền thông Iran hôm 28/10 đưa tin Jamshid Sharmahd, công dân Đức gốc Iran, đã bị tử hình vì tội "tấn công khủng bố".
Anh: Đảng Bảo thủ có lãnh đạo da màu đầu tiên
Bà Kemi Badenoch đã trở nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ đối lập sau khi đánh bại ông Robert Jenrick trong cuộc đua giành vị trí kế nhiệm cựu Thủ tướng Rishi Sunak, người đã từ chức thủ lĩnh đảng sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7.
Giành hơn 56% trong tổng số 95.000 phiếu bầu, bà Badenoch trở thành nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của một đảng lớn tại Anh và là nữ lãnh đạo thứ tư của đảng Bảo thủ. Đây là chiến thắng sít sao nhất trong 4 cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ kể từ khi đảng này thay đổi quy định, cho phép các thành viên đảng có tiếng nói cuối cùng trong các cuộc bầu chọn thủ lĩnh.
Iran cảnh báo “nóng” Israel và Mỹ
Lãnh đạo tối cao Iran - ông Ali Khamenei - cho biết, Tehran sẽ không bỏ qua vụ không kích bằng tên lửa của Israel hồi cuối tháng trước. Ngày 2/11, phát ngôn viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IGRC) - ông Ali Mohammad Naini -cũng đã tuyên bố, Iran sẽ “đáp trả cứng rắn” vụ không kích của Israel. “Đối phương nên biết rằng họ không thể tùy ý hành động nhằm vào Iran. Chắc chắn họ sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa”, ông Naini cảnh báo. Israel chưa bình luận về các tuyên bố mới từ phía Iran.
Mỹ triển khai tàu chiến, máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông
Quân đội Mỹ thông báo sẽ triển khai máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ, máy bay tiếp nhiên liệu và tàu khu trục của Hải quân nước này đến Trung Đông.
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết, các đợt triển khai sẽ diễn ra trong những tháng tới và cho thấy tính linh hoạt của các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ông Ryder không nói rõ Mỹ sẽ triển khai thêm bao nhiêu tàu chiến và máy bay tới Trung Đông. Mỹ hiện có khoảng 43.000 quân nhân tại khu vực này.
Động thái trên diễn ra khi Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ chuẩn bị rời khỏi Trung Đông. Sau khi USS Abraham Lincoln về nước, Mỹ sẽ không có tàu sân bay nào triển khai ở khu vực này trong một thời gian.
Thêm 9 quốc gia được Trung Quốc miễn thị thực
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ ngày 8/11, công dân thuộc chín quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan và Slovakia, Đan Mạch, Iceland, Andorra, Monaco và Liechtenstein, sẽ được phép nhập cảnh vào Trung Quốc để kinh doanh, du lịch, thăm gia đình hoặc quá cảnh trong tối đa 15 ngày mà không cần thị thực. Đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút thêm khách du lịch và cải thiện quan hệ quốc tế.
Chính sách này sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm sau và nâng tổng số quốc gia nằm trong danh mục này lên 25. Thông báo này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại Bắc Kinh hôm thứ sáu vừa qua.