Hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân thực hiện cụ thể như sau: Đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu, hàng hoá nhập khẩu phải đáp ứng quy định về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép nhập khẩu hàng hoá phục vụ sản xuất trong nước theo Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với hàng hoá phục vụ sản xuất trong nước không thuộc Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, chỉ được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo sau khi xin ý kiến Bộ Công Thương.
Thông tư nêu rõ, Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới có trách nhiệm chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án điều tiết hàng hoá khi xảy ra hiện tượng ùn tắc tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình thực hiện Thông tư này trên địa bàn; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) theo định kỳ trước ngày 10 hàng tháng hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Trách nhiệm của thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới là thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về Sở Công Thương tỉnh biên giới khi hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh theo quy định.