Theo đó, nguyên tắc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia là phải đúng kế hoạch, đúng quyết định của cấp có thẩm quyền; đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả, địa điểm, thời gian và đúng đối tượng quy định. Hàng được giao, nhận trên phương tiện vận chuyển của bên giao hoặc bên nhận tại cửa kho dự trữ quốc gia hoặc tại địa điểm do cấp có thẩm quyền quy định. Hàng nhập trước, xuất trước; hàng nhập sau xuất trước phải có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nhập hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: Nhập mua tăng hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; Nhập do điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; Nhập tăng hàng dự trữ quốc gia đối với số lượng hàng khi kiểm kê thực tế lớn hơn so với số lượng của sổ kế toán; Nhập hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khác.
Xuất hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: Xuất bán hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; Xuất điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; Xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia.
Việc dừng nhập, xuất hàng dự trữ quốcgia được áp dụng cho trường hợp điều chỉnh giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia theo phương thức mua, bán trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Mua, bán hàng dự trữ quốc gia
Thông tư quy định 2 phương thức mua hàng dự trữ quốc gia là mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu và mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng.
Trong đó, mua hàng dự trữ quốc gia theo phương thức mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng được áp dụng đối với mua thóc dự trữ quốc gia.
Về giá mua thóc, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực căn cứ vào chất lượng thóc mua, giá thị trường tại thời điểm, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt giá mua cụ thể nhưng không vượt quá mức giá mua tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức triển khai thực hiện mua đủ số lượng, chất lượng thóc mua phải đảm bảo theo đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước về việc thực hiện kế hoạch mua thóc của mình.
Về bán hàng dự trữ quốc gia, Thông tư quy định 3 phương thức: Bán đấu giá, bán chỉ định, bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng.
Về bán hàng dự trữ quốc gia theo phương thức bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng, Thông tư nêu rõ, hàng năm các đơn vị dự trữ quốc gia căn cứ kế hoạch xuất bán luân phiên đổi hàng; căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ Nhà nước đối với từng mặt hàng để xây dựng trình người có thẩm quyền quy định phê duyệt kế hoạch bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng đối với các mặt hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Dự trữ quốc gia, gồm: Hàng dự trữ quốc gia là thóc, vắc xin, hóa chất khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, muối trắng; Hàng dự trữ quốc gia theo quy định phải bán đấu giá nhưng bán đấu giá 02 cuộc không thành.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2015.
Xem chi tiết Thông tư tại đây.