Quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền theo Luật Cạnh tranh 2018

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Theo khoản 5, Điều 3 của Luật Cạnh tranh 2018, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Doanh nghiệp được xác định là đã vi phạm các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền khi hội tụ hai yếu tố cấu thành sau đây: 1) Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường; và 2) Doanh nghiệp thực hiện một trong các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Quy định về vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Đối với vị trí thống lĩnh thị trường

Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền được quy định tại Điều 24 và 25 của Luật Cạnh tranh 2018.

Một doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

Theo quy định tại khoản 7, Điều 4 của Luật Cạnh tranh 2018 thì thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
  2. Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
  3. Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
  4. Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

Như vậy, vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có thể được xác định căn cứ vào: thị phần của một doanh nghiệp hoặc tổng thị phần của các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp thống lĩnh hoặc sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp căn cứ vào mức thị phần, tổng thị phần:

Một số quốc gia trên thế giới không quy định ngưỡng thị phần để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp, mà thay vào đó quy định khái niệm “vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp” làm căn cứ để xác định (chẳng hạn như Hoa Kỳ).

Một số quốc gia khác quy định ngưỡng thị phần giả định, mà theo đó, nếu doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có mức thị phần, tổng thị phần cao hơn ngưỡng giả định đó thì cơ quan cạnh tranh có thể xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh (chẳng hạn, Trung Quốc, Singapore...). Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có bằng chứng khác chứng minh rằng tuy họ đạt ngưỡng thị phần giả định nhưng không có vị trí thống lĩnh thị trường, chẳng hạn như do rào cản gia nhập thị trường thấp, sức mạnh tài chính của các đối thủ tiềm năng lớn... thì cũng có thể được cơ quan cạnh tranh hoặc Tòa án xem xét, chấp nhận.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam quy định một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc hai, ba, bốn, năm doanh nghiệp có tổng thị phần lần lượt từ 50%; 65%; 75% và 85% trở lên trên thị trường liên quan được xác định là có vị trí thống lĩnh thị trường, mà không cần xem xét thêm các yếu tố khác.

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp căn cứ vào sức mạnh thị trường đáng kể:

Sức mạnh thị trường đáng kể là một trong hai cơ sở quan trọng để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của một hoặc một nhóm doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây (ít nhất 2 yếu tố):

  1. Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
  2. Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
  3. Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
  4. Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
  5. Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
  6. Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
  7. Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  8. Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
  9. Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Sức mạnh thị trường đáng kể được áp dụng để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thông thường đối với các trường hợp doanh nghiệp mới gia nhập thị trường nhưng có tiềm năng phát triển mạnh hoặc các doanh nghiệp đang tồn tại, hiện hữu trên thị trường, mặc dù chưa đạt ngưỡng thị phần để xác định vị trí thống lĩnh, nhưng là những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, có khoảng cách chênh lệch lớn với các đối thủ còn lại về doanh thu, thị phần hoặc có những yếu tố lợi thế khác như quy mô mạng lưới phân phối lớn, lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật... khiến cho doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó có khả năng định đoạt giá cả và các yếu tố cạnh tranh khác trên thị trường theo hướng mà họ mong muốn.

Đối với vị trí độc quyền thị trường

Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

Căn cứ quy định nêu trên, “độc quyền” là thuật ngữ để chỉ việc doanh nghiệp nào đó duy nhất tồn tại trên thị trường mà không có đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp độc quyền có thể là độc quyền nguồn cung (độc quyền bán) hoặc độc quyền cầu (độc quyền mua) trên thị trường. Cả hai trường hợp này khi xảy ra đều đem lại cho doanh nghiệp độc quyền khả năng khống chế ý chí của đối tác hoặc của khách hàng. Khi ấy, doanh nghiệp độc quyền có thể chi phối đến giá cả và những điều kiện thương mại khác.

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm

Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm. Theo đó, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền đều bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:

  1. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  2. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  3. Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  4. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  5. Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
  6. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường/vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

Trong số 06 hành vi nêu trên, có một số hành vi mang tính chất trục lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ khách hàng hoặc nhà cung cấp thông qua giá hoặc sản lượng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, một số hành vi khác mang tính chất loại bỏ, nghĩa là hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền có tác động hoặc khả năng gây ra tác động làm suy yếu hoặc loại bỏ cạnh tranh thông qua việc ngăn cản, hạn chế sự lựa chọn của đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp khác hoặc tạo ra các rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường.

Ngoài các hành vi được liệt kê ở trên, có một số hành vi bị cấm khác chỉ đặc trưng đối với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Cụ thể:

Hành vi “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” (hành vi mang tính chất loại bỏ) chỉ bị cấm đối với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường;

Hành vi “áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng” và “lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng” chỉ bị cấm đối với doanh nghiệp có vị trí độc quyền.

Xử lý vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền

Nguyên tắc xử lý vi phạm chung là Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc buộc phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hình thức và mức độ xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền được quy định tại Điều 110; 111 Luật Cạnh tranh 2018; Điều 3, 4 Chương I và Mục 2, Chương II Nghị định số 75.

Theo đó, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bao gồm: phạt chính và phạt bổ sung.

Trong đó, phạt chính gồm hình thức “phạt tiền”. Phạt bổ sung gồm hình thức “tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.

Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, biện pháp khắc phục bổ sung có thể áp dụng bao gồm: (i) buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; (ii) buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, biện pháp khắc phục bổ sung có thể áp dụng bao gồm: (i) buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; (ii) buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở; (iii) buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng và (iv) buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng, hợp đồng đã thay đổi hoặc hủy bỏ mà không có lý do chính đáng.

Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền có thể bị phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm (Điều 8 và Điều 9 Nghị định 75).

Uyên Chi