Tỷ trọng giảm dần
Theo kết quả tính toán sơ bộ của Quy hoạch điện VIII do Viện Năng lượng lập, tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam giảm dần từ 34% năm 2020 xuống còn 27% năm 2030 và 18% năm 2045.
Tuy tỷ trọng tương đối của nhiệt điện than giảm nhưng số lượng tuyệt đối của nhiệt điện than vẫn tăng: từ 20.000MW năm 2020 lên gần 38.000MW năm 2030 và gần 50.000 MW năm 2045.
Tổng sản lượng nhiệt điện than vẫn chiếm 40% sản lượng điện sản xuất năm 2030 và 31% sản lượng điện năm 2045. Trong giai đoạn tới 2045, nguồn điện than vẫn là một thành tố quan trọng trong an ninh cung cấp điện.
Cùng với sự phát triển về số lượng nhà máy, công nghệ nhiệt điện than ngày càng hiện đại, cho phép vận hành các tổ máy với hiệu suất, độ an toàn, tính kinh tế cao.
Các nhà máy nhiệt điện than được đầu tư trước năm 2010 đều sử dụng công nghệ cận tới hạn, có hiệu suất dưới 40%. Đây là công nghệ phù hợp với than sản xuất trong nước có nhiệt trị thấp.
Một số nhà máy đầu tư sau năm 2010 sử dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), với hiệu suất có thể lên tới 42% như Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng…
Hiện nay, các dự án nhiệt điện đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư đều sử dụng công nghệ SC hoặc công nghệ USC (trên siêu tới hạn) với hiệu suất lên lên tới 45%. Điển hình cho công nghệ USC là dự án nhiệt điện Sông Hậu 2, Quảng Trị 1… dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2024-2025.
Thực tế hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đều được lắp đặt hệ thống giám sát online kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương để thực hiện giám sát thường xuyên.
Đồng thời, các nhà máy đều được trang bị thiết bị xử lý khói thải như: Thiết bị lọc bụi bằng công nghệ khử bụi tĩnh điện (ESP) có hiệu suất trên 99%; Thiết bị khử Lưu huỳnh Oxit (SO2) bằng sữa đá vôi (hệ thống FGD) hoặc nước biển, khử Nito Oxit (Nox) bằng hóa chất Amoniac NH3 có xúc tác (hệ thống SCR) với hiệu suất cao trên 85% hoặc vòi đốt Low Nox.
Sau khi qua các hệ thống xử lý khói thải nói trên, nồng độ phát thải bụi, SO2, Nox trong khói đều được xử lý đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo Quy chuẩn QCVN 22:2009/BTNMT và Quy chuẩn QCVN 05:2009/BTNMT.
Đối với nước thải, sau khi xử lý sẽ được thu gom vào bể chứa của nhà máy để kiểm chứng, đánh giá theo Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 14:2008/BTNMT trước khi thải ra môi trường.
Công nghệ - Yếu tố quyết định
Trong Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện được tính toán theo các tiêu chí sau:
- Đảm bảo an ninh cung cấp điện: Cơ cấu nguồn điện phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển KTXH và an ninh quốc phòng của đất nước trong mọi tình huống.
- Đáp ứng được những cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về tác động tới môi trường của hoạt động sản xuất điện: hàng năm giảm từ 8% đến 25% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.
- Có giá thành sản xuất điện hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Theo đó, cơ cấu tỷ trọng từng loại nguồn điện sẽ được chương trình quy hoạch động tính toán tối ưu dựa trên suất đầu tư từng loại hình nguồn điện, chi phí nhiên liệu của từng loại hình nguồn điện, chi phí sửa chữa bảo dưỡng của các loại nguồn điện, chi phí truyền tải điện, ...
Kết quả đầu ra của chương trình là tổ hợp cơ cấu tỷ trọng của từng loại nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với giá thành sản xuất thấp nhất. Trong đó, quy hoạch các dự án nhiệt điện than với tỷ trọng phù hợp, để đảm bảo 2 yếu tố: cung cấp đủ điện với giá phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội; và bảo đảm môi trường sinh thái.
Cụ thể, trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị lập quy hoạch đưa ra những ràng buộc nghiêm ngặt đối với phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Các dự án nhiệt điện than phải sử dụng công nghệ tiên tiến (USC và USC cải tiến) với chỉ số phát thải CO2, NOx, SOx đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Với các giải pháp này, việc phát triển và vận hành các nhà máy nhiệt điện than sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn phát thải, giảm ô nhiễm và mang lại lợi ích cho địa phương, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Cũng cần nói thêm rằng, trong một sự kiện gần đây, ông Takehiro Katsushi, Trưởng phòng Than, Vụ Tài nguyên Nhiên liệu, Cục Tài nguyên Năng lượng (METI) Nhật Bản khẳng định: “Việc áp dụng công nghệ mới từ SC cho đến USC và tiếp theo là khí hóa than sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than vận hành ngày càng hợp lý hơn và sạch hơn. Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển loại nhiệt điện than siêu sạch này”.
Như vậy có thể nói, công nghệ hiện đại là yếu tố quyết định cho phép chúng ta có thể giữ tỷ trọng nhiệt điện than phù hợp trong cơ cấu nguồn điện với giá phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội, đi đôi với bảo đảm môi trường sinh thái.