Quý I/2015: Sản xuất và tiêu dùng đóng góp ngoạn mục

Quý I/2015, sản xuất công nghiệp và tiêu thụ trong nước tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đóng góp ngoạn mục vào mức tăng trưởng GDP chung của cả nước 6,03%, mức cao nhất trong vòng 5 năm t

Công nghiệp bứt phá mạnh mẽ

Quý I/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,1%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây: Quý 1 các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 5,9%, 4,9%, 5,2%. Nếu nhìn trên biểu đồ thì mức tăng của quý I những năm trước là mũi tên bò lên sườn đồi, còn mức tăng quý I năm nay tốc thẳng lên vách đá dựng đứng.

Những sản phẩm công nghiệp chế biến có chỉ số sản xuất tăng cao trên 10% chủ yếu vẫn là những ngành hàng: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (tăng 12,1%); sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 19,7%); sản xuất sợi (tăng 21,8%); sản xuất giày dép (tăng 26,1%); sản xuất các sản phẩm từ giấy và bìa (tăng 32,4%); sản xuất sơn, véc ni, mực in và ma tit (tăng 17,4%); sản xuất sản phẩm từ đất sét (tăng 18,9%); sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao (tăng 25,8%)…

Quý I năm nay cũng là quý đầu tiên Tổng cục Thống kê triển khai điều tra về xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành hiện đóng góp khoảng 18% vào GDP. Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, bao gồm 4.028 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, đại diện cho toàn bộ nền kinh tế và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo từ kết quả điều tra quý I/2015 như sau:

Về đơn đặt hàng: So với quý IV/2014, quý I/2015 có 68,1% số DN dự báo có số đơn hàng tăng lên và giữ ổn định. Xu hướng về đơn hàng quý II/2015 so với quý I/2015 khả quan hơn, có 88,3% số DN dự kiến đơn hàng sẽ tăng lên và giữ ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu: Có 75,3% số DN làm hàng xuất khẩu khẳng định có số đơn hàng xuất khẩu mới quý I/2015 tăng lên và giữ ổn định so với quí IV. Dự kiến về xuất khẩu quý II/2015 khả quan hơn với 86% số DN dự báo tăng lên và giữ ổn định đơn hàng xuất khẩu so với quý I/2015.

Về sử dụng lao động: Đánh giá về biến động lao động quí I/2015 so với quý IV/2014, có 80,9% số DN khẳng định qui mô lao động tăng lên và giữ ổn định. Dự báo lao động quý II so với quý I, có 91% số DN dự báo tăng lên và giữ ổn định.

Những số liệu trên cho thấy, sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo giữ vai trò hạt nhân đang trên đà bứt phá, là điều kiện hết sức thuận lợi để sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.

Thị trường trong nước sôi động

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 790.836 nghìn tỷ đồng, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 9,23%, cao hơn gấp đôi và gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ các năm 2012, 2013 và 2014 với 4,7%, 4,5% và 5,1%.

Sự sôi động của thị trường trong nước được nâng đỡ bởi 3 yếu tố.

Thứ nhất, nhu cầu trong nước ấm dần lên. Có sự liên hệ rất chặt chẽ giữa sản xuất công nghiệp và tiêu thụ nội địa. Khi sản xuất công nghiệp tăng lên có nghĩa là thu nhập và việc làm tại các doanh nghiệp được đảm bảo tốt, dẫn đến nhu cầu khả năng thanh toán trên thị trường nội địa tốt hơn. Vì thế không có gì lạ khi sản xuất công nghiệp và tiêu thụ nội địa quý I năm nay cùng dắt tay nhau tăng trưởng đột biến.

Thứ hai, sự sôi động của thị trường trong nước phản ánh nguồn cung dồi dào, nhất là các mặt hàng tiêu dùng như hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh mứt, nước giải khát các loại… Nhiều chương trình giảm giá được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng để chăm sóc khách hàng và thu hút nhu cầu mua sắm.

Thứ ba, cơ quan quản lý đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giúp ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng cần nói đến tác động tích cực của Quyết định 65/QĐ-BCT ngày 6/1/2015 của Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Theo đó, nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ trong việc thúc đẩy thị trường trong nước, cụ thể:

Vụ Thị trường trong nước chủ trì, làm đầu mối cùng với các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan:

- Tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đề xuất, áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các thời điểm lễ, Tết;

- Thực hiện các chính sách, giải pháp để phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển mạnh thị trường hàng hóa trong nước;

- Đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và tiêu thụ;

- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020.

Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý cạnh tranh, bảo đảm môi trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của DN, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với những mặt hàng và trên các tuyến trọng điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Hợp lực của 3 yếu tố: cầu trong nước ấm lên, nguồn cung dồi dào và tác động tích cực của hoạt động quản lý nhà nước giúp cho bức tranh thị trường nội địa thêm xuân sắc.


Trung Văn