Quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải có hiệu lực

Thông tư số 40/2015/TT-BTNMT, ngày 17/8/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2015.

           Thông tư quy định về quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải từ ống khói, ống thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp và các lò đốt chất thải (gọi chung là cơ sở). Hoạt động quan trắc khí thải bằng các thiết bị quan trắc tự động, liên tục không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư về Quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải gồm 3 bước: xác định mục tiêu của chương trình quan trắc; thiết kế chương trình quan trắc; thực hiện chương trình quan trắc.

          Xác định mục tiêu của chương trình quan trắc gồm: cung cấp số liệu phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm không khí, quản lý môi trường không khí của Trung ương và địa phương; thực hiện các quy định, yêu cầu quan trắc, giám sát môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đánh giá sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến khí thải; đánh giá hiệu suất làm việc của các hệ thống, thiết bị xử lý khí thải.

         Thiết kế chương trình quan trắc gồm các công việc, như: xác định vị trí và số lượng điểm quan trắc; xác định thông số quan trắc (căn cứ các quy định, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp, lò đốt chất thải; mục tiêu của chương trình quan trắc; loại hình sản xuất, quy mô, đặc điểm nguồn thải để xác định các thông số quan trắc); xác định thời gian, tần suất và số lượng mẫu quan trắc; lập kế hoạch quan trắc.

        Thực hiện chương trình quan trắc gồm: công tác chuẩn bị trước khi tiến hành quan trắc; quan trắc tại hiện trường; phân tích trong phòng thí nghiệm; xử lý số liệu quan trắc (gồm việc kiểm tra số liệu quan trắc và tính toán kết quả quan trắc) và lập báo cáo kết quả quan trắc.
PV