Đóng cửa Kiot, tụm năm tụm ba nói chuyện trước điểm kinh doanh để thăm dò tình hình... là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại nhiều gian hàng trong ngày thứ hai liên tiếp lực lượng Quản lý thị trường ra quân kiểm tra tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Trước đó, ngày 01/11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường do Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh làm trưởng đoàn đã chia làm 6 tổ công tác bất ngờ “đột kích” kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Quá bất ngờ, các tiểu thương tại đây đã “trở tay không kịp”.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes…. Các sản phẩm được giới thiệu, kinh doanh tại Sài Gòn Square với mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Để kiểm soát tốt tình hình, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo tăng cường quân số so với ngày trước đó để phục vụ tốt hơn công tác kiểm tra.
Theo đó, trong ngày 2/11 - ngày thứ hai lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường tại Sài Gòn Square đã thu hút sự quan tâm của dư luận, người tiêu dùng và cả những hộ kinh doanh tại đây. Người tiêu dùng tỏ ra khá bất ngờ và tò mò khi lực lượng Quản lý thị trường liên tiếp có mặt.
Cũng trong ngày 2/11, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tiến hành kiểm tra tại 05 điểm kinh doanh tại Sài Gòn Square, gồm: Gian 51B - 52B; Gian 7K - 8K; Gian 50B; Gian 83H + 94H và 01 gian do Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 phụ trách thu giữ hàng nghìn sản phẩm là túi xách, ví cầm tay, balo, thắt lưng, bông tai mang các nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermes, YVES SAINT LAURENT, BURBERRY...
Bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh này có các hành vi vi phạm: bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu; không đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng Quản lý thị trường đã có thêm sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường, từng bước hạn chế tiến tới xóa sổ những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu để bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, các tụ điểm lớn, nổi tiếng trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục nằm trong lộ trình kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới.