Hành trình của người đi trước tìm đường chuyển đổi số
Theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, tại thời điểm năm 2015, Rạng Đông đang đứng trên đỉnh cao vinh quang và được coi là “hiện tượng”, khi mà sau 25 năm trở về từ vực thẳm thua lỗ, Công ty đã có sự tăng trưởng ngoạn mục: Doanh thu tăng 360 lần; nộp ngân sách tăng 1.580 lần; lợi nhuận thực hiện từ còn lỗ năm 1990 tăng 573 lần; thu nhập bình quân người lao động tăng 55 lần.
Nhưng, động lực của cuộc đổi mới lần thứ nhất suy yếu dần. Tương lai của Rạng Đông sẽ như thế nào, cuộc sống của hàng nghìn người lao động sẽ ra sao là những câu hỏi lớn, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải ngày đêm trăn trở tìm lời giải. Trước sức cạnh tranh tàn khốc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành chiếu sáng nói riêng và sự ảnh hưởng của nó tới toàn cầu nói chung, Rạng Đông cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó nếu không có sự thay đổi. Và Rạng Đông đã quyết tâm lựa chọn con đường chuyển đổi số, một con đường thật sự mù mịt và chông gai. Bởi lúc đó và cho đến tận bây giờ vẫn không có bất kỳ hình mẫu nào để học tập, tham khảo, rút kinh nghiệm. Những khái niệm về chuyển đổi số đều rất mơ hồ. Làm thế nào để vượt qua được hào quang của chính mình để tiến về phía trước, tìm được con đường cho riêng mình là điều cực kỳ khó.
Cái khó của Rạng Đông là một doanh nghiệp quá truyền thống, tiền internet. Sức nặng của hơn 60 năm lịch sử trong chuyển đổi số lại không hẳn là một lợi thế, bởi đó là hơn 60 năm tích lũy kinh nghiệm, nhưng cũng là hơn 60 năm nhặt nhạnh của vô vàn dây chuyền công nghệ, vô vàn máy móc các đời các hệ, mà theo cách nói của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Kết là “làm sao để máy móc nói chuyện được với nhau là một câu chuyện không hề đơn giản”. Có tiền, nhập cả hệ thống về thì đã dễ quá, nhưng đã có nhiều câu chuyện xương máu rồi, nhập hết về làm mà không biết quản trị chưa chắc đã có kết quả tốt. Rạng Đông lựa chọn chuyển đổi số theo cách của “con nhà nghèo”chậm nhưng chắc, làm dần từng chút một, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Số hóa riêng lẻ, rồi đồng bộ hóa từng phần, chắc chắn rồi mới đồng bộ hóa toàn phần. Xác định công nghệ phải là nền tảng của chuyển đổi số, trong đó hệ thống quản trị dẫn dắt công nghệ.
Cứ như vậy, từng chút, từng chút một, đỉnh điểm là 3 năm bứt phá 2020-2022, mặc cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, Rạng Đông vẫn đạt mức tăng trưởng 15-20%/năm. Quý I/2023, tăng trưởng doanh thu đạt 2.136 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, một con số đáng mơ ước với rất nhiều doanh nghiệp tại thời điểm này, khi bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm vẫn đang rất ảm đạm, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lỗ do không có đơn hàng. Bước đầu hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ thông minh thương hiệu Rạng Đông.
Sức mạnh của tri thức và sự đồng lòng
Để có được quả ngọt từ chuyển đổi số, ông Kết chia sẻ 6 bài học, trong đó có bài học về sức mạnh của tri thức để tìm được con đường riêng của mình và sự đồng lòng.
Ông Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Đại học Ngoại thương), người đã gắn bó với quá trình đổi mới của Rạng Đông hơn 10 năm nay chia sẻ, Rạng Đông luôn tôn trọng tri thức và luôn đồng hành cùng các nhà khoa học trong nghiên cứu, vì vậy mà đã gặt hái được rất nhiều thành công. Tầm nhìn của chủ doanh nghiệp vô cùng quan trọng, tầm nhìn tạo ra sự nhẫn nại, sự chờ đợi các thành quả khoa học, ở Rạng Đông có tầm nhìn đó. Nhiều nhà khoa học đến Rạng Đông làm việc với khát khao cống hiến mãnh liệt, mong muốn những nghiên cứu, những sản phẩm của mình được ứng dụng vào cuộc sống. Thì Rạng Đông là một địa chỉ lý tưởng để tiếp tục cống hiến kho tri thức chưa sử dụng hết.
Còn về sự đồng lòng, đó cũng là một nét văn hóa của Rạng Đông. Trở lại năm 2004, khi Công ty tiến hành cổ phần hóa, có tới 96% người lao động mua được cổ phần và trở thành cổ đông của Công ty. Công ty cổ phần hóa nhưng không tư nhân hóa là như vậy. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với nhiều doanh nghiệp khác. Về điểm này, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, sở dĩ thời điểm đó, người lao động có tiền mua được hết cổ phần vì trong 10 năm trước đó, tiền thưởng của người lao động đều dành cho Công ty vay để đầu tư hiện đại hóa. Đến lúc cổ phần hóa, Công ty trả cho người lao động dùng để mua cổ phần, do đó, tất cả mọi người đều có tiền để sở hữu là như vậy.
Anh Nguyễn Hoàng Kiên - Bí thư Đoàn Thanh niên của Rạng Đông thì chia sẻ bí quyết để đảm bảo mỗi phong trào đạt được mục tiêu, chính là cho người lao động thấy được lợi ích của mình trong đó. Cụ thể như với chương trình chuyển đổi số, trước chuyển đổi thì phải làm thủ công như thế nào, phải đối chiếu rà soát mất thời gian ra sao, rồi làm thêm giờ, tăng ca, tăng kíp do không kịp tiến độ. Sau chuyển đổi số, cũng ngần ấy việc nhưng được chuẩn hóa theo quy trình, gọn gàng tối ưu hóa, tăng năng suất lao động, giảm thời gian làm việc, nhờ đó người lao động được về sớm hơn, được ăn bữa cơm gia đình. Chính điều đó đã thôi thúc họ tích cực tham gia chuyển đổi số và lan tỏa cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên cùng tham gia, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn hệ thống.
Cần mở rộng hợp tác để chuyển đổi số toàn diện
Cho đến thời điểm hiện tại, Rạng Đông đã tự tin hơn nhiều khi con đường về chuyển đổi số đã sáng rõ, cả về mục tiêu và các giải pháp, cũng như lộ trình thực hiện. Tuy vậy, làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty cũng chia sẻ rằng, để đồng bộ hóa toàn phần, Công ty sẽ cần sự hỗ trợ, hợp tác của nhiều đơn vị liên quan, ở tầm cấp Bộ, nhất là liên quan tới các nhà mạng và các trạm dữ liệu khi tích hợp trong các bộ thu phát chiếu sáng thông minh.
Sau khi tham quan dây chuyền làm việc, lắng nghe ý kiến trao đổi thảo luận của Rạng Đông với các đơn vị doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của Rạng Đông trong việc tìm cho mình một con đường đi riêng trong chuyển đổi số, tận dụng nguồn tri thức xuất sắc, phát triển một chiến lược chuyển đổi số rất bài bản, hình thành cho mình những lý luận về chuyển đổi số. Bộ trưởng cho rằng, lý luận vốn là điểm yếu của các doanh nghiệp hiện nay. Vì thế doanh nghiệp nào làm được sẽ là lợi thế rất lớn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Rạng Đông đã tìm ra từ khóa quan trọng nhất của chuyển đổi số là thông minh hóa, tập trung làm thông minh hóa những gì mình đang có của thế hệ cũ thành những sản phẩm và dịch vụ thông minh, biến chúng từ thế hệ 2.0, 3.0 thành 4.0, tạo cảm hứng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn chuyển đổi số.
Tuy nhiên, chuỗi tạo ra giá trị trong chuyển đổi số có thể rất dài. Người tạo ra giá trị trong chuỗi có thể là bất kỳ ai. Do đó, nằm trong chuỗi, thì phải mở và kết nối. Rạng Đông đã mở để các đối tác tham gia. Nhiều doanh nghiệp cùng đoàn công tác của Bộ trưởng như VNPT, Viettel, FPT… hôm nay chính là đối tác số của Rạng Đông, cùng hệ sinh thái với Rạng Đông, đã đưa ra nhiều phương án hợp tác để đạt được mức chuyển đổi số toàn diện. Khi đã số hóa 100%, thì chính dữ liệu từ số hóa lại sinh ra tiền. Cho nên, đừng ngại chi phí để tạo ra một phiên bản số của nhà máy vì giá trị nó tạo ra sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cuối cùng, Bộ trưởng cũng lưu ý, Rạng Đông muốn trở thành xuất sắc, muốn cạnh tranh được thì phải đi ra nước ngoài. Nếu làm được việc này thì Rạng Đông sẽ là niềm tự hào lớn “Make in Vietnam”.