Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là các chính sách được đưa ra với mục đích chính là bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, các biện pháp này được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Các biện pháp PVTM có thể được áp dụng dưới một trong ba hình thức: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Theo thống kê của WTO, bên cạnh việc thực thi các hoạt động điều tra chống bán phá giá với tần suất cao khoảng 200 vụ/năm, các thành viên WTO cũng thường xuyên thay đổi pháp luật, điều chỉnh chính sách trong nước, cập nhật thực tiễn điều tra từ nước khác nhằm đa dạng hóa cách tính toán biên độ bán phá giá, từ đó tạo cơ sở đưa ra các quyết định chính sách khác nhau.
Một trong số những thay đổi đó chính là việc sử dụng quy định tại ADA về tình hình thị trường đặc biệt (viết tắt là PMS). Tình hình thị trường đặc biệt là tình huống trong đó có sự bóp méo giá cả hay chi phí sản xuất do sự tác động của chính phủ dẫn đến việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá trị xuất khẩu không được chính xác.
Tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 11 vụ việc điều tra chống bán phá giá trong đó có điều tra về tình hình thị trường đặc biệt. Các mặt hàng bị điều tra vấn đề PMS chủ yếu là thép.
Điều đáng lưu ý, trong năm 2020, nội dung điều tra PMS trong vụ việc PVTM gia tăng đột biến với 6 vụ việc đều do Úc và Canada điều tra (chiếm tỷ lệ 16% các vụ việc khởi xướng trong năm 2020). Việc các nước gia tăng điều tra PMS có thể dẫn đến hệ quả là mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề PMS hiện nay là nội dung mới, các thành viên WTO có những các diễn giải khác nhau khi áp dụng và dẫn đến nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến lĩnh vực này.
Cùng với xu hướng gia tăng điều tra PVTM (năm 2020 đã có 37 vụ việc mới được khởi xướng, tăng 2,3 lần so với năm 2019), vấn đề PMS cũng sẽ có nguy cơ bị „lạm dụng“ để làm tăng mức thuế chống bán phá giá.
Thông thường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính phải trả lời các bản câu hỏi để cơ quan điều tra nước nhập khẩu xác định biên độ phá giá.
Tuy nhiên, khi kết hợp điều tra về “tình hình thị trường đặc biệt”, cơ quan điều tra nước ngoài còn xem xét đến cả các chính sách có tính chất can thiệp của chính phủ được ban hành ở cấp trung ương cũng như địa phương.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đối với các vụ việc bị khiếu kiện nội dung “tình hình thị trường đặc biệt”, Bộ Công Thương đều tham gia hợp tác chặt chẽ, chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành và địa phương chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra nước ngoài.
Trong thời gian tới, với xu hướng các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, nội dung “tình hình thị trường đặc biệt” cũng có thể được các nước tăng cường sử dụng. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan triển khai các nhiệm vụ, biện pháp để xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.