Sản xuất điện bằng trấu, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước, theo đó đây cũng là nơi có nguồn trấu dồi dào, với khoảng 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lâu nay phần lớn nguồn nguyên liệu

Lãng phí tiềm năng

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL tại 108 nhà máy xay xát trong vùng, chỉ gần 50% lượng trấu được bán cho các hộ dân, cơ sở sản xuất để làm chất đốt cho lò sấy, nung gạch, phân bón, còn lại đều được đốt thành tro hoặc thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể một lượng trấu lớn tại các cơ sở xay xát nhỏ lẻ thải ra hàng ngày, do không tiêu thụ được nên thường đổ ra kênh rạch, gây ách tắc dòng chảy. Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ cho thấy, mỗi năm các nhà máy xay xát trên địa bàn thải ra khoảng 240.000 tấn trấu. Với sản lượng lúa hơn 20 triệu tấn hiện nay, khu vực ĐBSCL thải ra trên 4 triệu tấn trấu. Nếu nguồn nguyên liệu này được dùng để sản xuất điện, nhiều địa phương sẽ giải quyết được nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Các chuyên gia tính toán, để một nhà máy nhiệt điện có công suất 10MW hoạt động, cần một lượng trấu tương đương 80.000 tấn/năm, với sản lượng trấu dồi dào như trên, hàng năm ĐBSCL có thể cung ứng được 500MW điện. ông Hoàng Kim Đồng, Giám đốc ICC cho biết: “Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện chạy bằng trấu ở ĐBSCL có ý nghĩa rất lớn khi góp phần giải quyết việc ứ đọng trấu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không những cung cấp sản lượng điện lớn, các nhà máy nhiệt điện bằng trấu còn cung cấp nguyên vật liệu sản xuất gạch nổi từ lượng tro thải ra, cung cấp lượng nhiệt dồi dào cho các lò sấy lúa gạo, thủy - hải sản với giá rẻ hơn nhiều so với đốt bằng than, củi”.

Trên thực tế, nhiều nước đã sử dụng các lò đốt tuần hoàn bằng trấu để cung cấp điện nhưng ở nước ta mô hình này còn tương đối mới. Tính đến nay, mới có một số công trình nhiệt điện bằng trấu xây dựng theo kiểu thử nghiệm, hiệu quả không cao do nguồn nguyên liệu không ổn định, chế độ và chính sách bán điện chưa được xác định cụ thể, nhất là việc xã hội hóa thị trường điện ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Góp phần giảm nhiệt "cơn khát" điện

Hiện nay, giá bán trấu nguyên liệu dao động từ 40 - 170 đồng/kg nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà khi kinh doanh nguồn nguyên liệu này. Trong khi đó, nếu mua trấu để sản xuất gạch thì chủ cơ sở phải trải qua công đoạn đốt thành tro, dẫn đến lãng phí nguồn nhiệt lượng. ông Đồng cho biết, nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện bằng trấu ở ĐBSCL, lợi ích mang lại sẽ không dừng ở việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch, phân bón mà còn góp phần giảm nhiệt “cơn khát” điện hiện nay.

Theo đó, trấu nguyên liệu sẽ được thu gom vào bãi, hút bằng ống đưa vào lò đốt tuần hoàn. Trấu qua lò sẽ được nhiệt hóa, khí hóa ở nhiệt độ cao và chuyển thành khí sinh khối, sau khi được xử lý làm sạch và làm mát, sử dụng để phát điện thông qua động cơ đốt trong hoặc đốt nồi hơi, thậm chí có thể cung cấp nhiệt lượng, gas cho các khu dân cư để đun nấu, sấy nông sản.

Cuối cùng, tro của trấu có thể cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân bón, nhà máy xi măng, dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch nổi, luyện thủy tinh và xuất khẩu. Hiện trên thị trường thế giới, giá tro trấu đang ở mức 50 - 100 USD/tấn. Thậm chí, với loại lò khí hóa, có thể sử dụng hầu hết các loại phế phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ càphê, mạt cưa, dăm bào, cành cây... để sản xuất nhiệt lượng.

Theo ông Đồng, hiện ICC đang triển khai các thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị xây dựng một số nhà máy nhiệt điện ở khu vực ĐBSCL. Theo quy hoạch, mỗi tỉnh sẽ xây dựng 4-5 nhà máy nhiệt điện chạy bằng trấu, gồm 2 tổ máy/nhà máy, công suất 10-11MW. Tuy nhiên, điều ICC băn khoăn khi đầu tư là giá điện ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia do được Nhà nước bình ổn giá để tạo điều kiện cho mọi người dân được sử dụng điện. Giá bán điện hòa vào lưới điện hiện ở mức 4-4,5cent/kWh, trong khi giá thành để sản xuất nhiệt điện từ trấu sẽ vào khoảng 7cent/kWh. Vì vậy, để dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện sớm hoàn thiện, khai thác tốt tiềm năng dồi dào từ trấu, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, rất cần chính sách phát triển hợp lý và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự tham gia của chính quyền các địa phương.