Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Ngân hàng Eximbank, mã cổ phiếu EIB - sàn HoSE) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo số liệu cập nhật đến ngày 6/8/2024.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thắng Phương không còn nằm trong nhóm cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên tại Ngân hàng Eximbank. Trước đó, tại ngày 1/7, doanh nghiệp này từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 3,07% vốn của Ngân hàng Eximbank.
Quy định mới yêu cầu cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên tại các ngân hàng phải báo cáo khi thay đổi tỷ lệ sở hữu. Do đó, Công ty Cổ phần Thắng Phương đã thoái phần lớn hoặc tất cả số cổ phần sở hữu tại Ngân hàng Eximbank.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã chấp thuận cho Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX) mua thêm cổ phần tại Ngân hàng Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm nay.
Nếu giao dịch thành công, Tập đoàn GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Ngân hàng Eximbank. Qua đó, trở thành cổ đông lớn nhất của nhà băng này. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Sự thay đổi cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của ngân hàng này dần được cải thiện sau thời gian dài “đi lùi” vì những bất ổn trong bộ máy lãnh đạo.
Cụ thể, kết thúc quý 2/2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận đạt 813 tỷ đồng, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc thu nhập lãi thuần tăng 38%, đạt gần 1.512 tỷ đồng. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động khác tăng gấp 3 lần, đạt 213 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Eximbank ghi nhận 1.475 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2023. Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với năm 2023.
Mặc dù mới hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhưng một số hãng chứng khoán đánh giá sơ bộ Ngân hàng Eximbank có căn cứ để hoàn thành mục tiêu năm nay khi lợi nhuận đang tăng dần theo từng quý cho thấy các nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Đồng thời, nhu cầu tín dụng của toàn nền kinh tế dự kiến sẽ tăng tốc đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Trong đó, tiền gửi khách hàng của Ngân hàng Eximbank vào cuối quý 2/2024 đã tăng 4,3% so với hồi đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng 8% với lượng vốn cung ứng ra thị trường đạt 151.328 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng ở mức khá nhưng nhờ lãi suất huy động giảm mạnh so với cùng kỳ nên chi phí trả lãi huy động khách hàng giảm 37% xuống còn 1.708 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy Ngân hàng Eximbank đang có lợi thế về chất lượng tài sản so với nhiều ngân hàng khác. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý 2/2024 đã giảm nhẹ về mức 2,64%.
Đồng thời, ngân hàng này là tổ chức tín dụng hiếm hoi không phát sinh dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Đây có thể coi là điểm cộng lớn đối với chất lượng tài sản của Ngân hàng Eximbank trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2022.
Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, Eximbank sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương đương vốn điều lệ tăng thêm gần 1.219 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
Sau gần 10 năm trải qua cuộc chiến giành quyền kiểm soát HĐQT và rớt khỏi TOP những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, việc tái cơ cấu cổ đông và sớm ổn định bộ máy lãnh đạo được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Eximbank cải thiện hoạt động kinh doanh trở lại.
Nhiều nhà đầu tư hiện kỳ vọng với sự góp mặt của Tập đoàn GELEX - tập đoàn đa ngành với kinh nghiệm quản trị đã được chứng minh tại nhiều lĩnh vực và tiềm lực tài chính lớn, Ngân hàng Eximbank sẽ sớm quay lại nhóm dẫn đầu hệ thống như những năm trước đây.