SCG thâu tóm Nhựa Bình Minh?

SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa tại Việt Nam và Nhựa Bình Minh cũng cần trợ lực để cạnh tranh.

Tham vọng của SCG

Ngày 2/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đã nhận được đơn đăng ký chào mua công khai của Nawa Plastic - một công ty thành viên của Tập đoàn Thái Lan - SCG trong đợt chào bán công khai cổ phần của Công ty Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP).

Theo văn bản này, NawaPlastic sẽ đăng ký mua toàn bộ 29,5% vốn của Nhựa Bình Minh được đăng ký bán trong đợt này. Dự kiến, công ty con của SCG sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại một trong những công ty đứng đầu về nhựa công nghiệp lên gần 50% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất. Nếu đạt được tỷ lệ này, khả năng SCG thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong một báo cáo của mình, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HSC) cũng cho rằng Nawa Plastic là người mua tiềm năng nhất tại BMP. Công ty này hiện nắm 20,4% cổ phần tại BMP.

SCG thau tom Nhua Binh Minh?

Trước đó, NawaPlastic cũng tiến hành thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong - một doanh nghiệp mà công ty sở hữu cổ phần cùng thời điểm với Nhựa Bình Minh. Đây là động thái được giới phân tích cho là dành nguồn lực để tập trung tăng sở hữu tại BMP.

Trong một diễn biến đang chú ý khác, ngày 24.2, SCG cũng đã chính thức khởi công Dự án lọc hóa dầu Long Sơn với các sản phẩm đầu ra là hạt nhựa, một nguyên liệu đầu vào cần thiết cho các sản phẩm nhựa plastic khác.

Theo nhận định của HSC, SCG tham vọng trong việc xây dựng một chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa tại Việt Nam. Hiện tại, tập đoàn này sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và bày tỏ mong muốn mua lại một doanh nghiệp sản xuất nhựa có sở hữu hệ thống phân phối tốt tại Việt Nam.

Sức ép cạnh tranh của Nhựa Bình Minh

Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất là 140.000 tấn, cùng hệ thống phân phối và là thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây trong điều kiện cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp mới, Nhựa Bình Minh đã dần đánh mất thị phần, với kết quả kinh doanh thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.

Năm 2017, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 471 tỷ, giảm 25% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng quyết định giá bán kém đi khiến Công ty không thể chuyển tác động tăng giá đầu vào sang cho khách hàng.

Theo Nhipcaudautu