“Siêu” dự án 500 triệu USD của Vinamilk (VNM) đi vào hoạt động

Tổ hợp Nhà máy Vinabeef dự kiến sẽ đóng góp ngay 1.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM) trong năm 2025 với biên lợi nhuận khoảng 15%.
Thịt bò mát Vinabeef
Ông Masayoshi Fujimoto – Chủ tịch Tập Đoàn Sojitz và bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk.

Liên doanh Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (JVL) vừa cho biết Nhà máy chế biến thịt bò Vinabeef tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức đi vào hoạt động. Với công suất 10.000 tấn thịt bò/năm và tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, đây là một trong những tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật là liên doanh giữa Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM) cùng công ty con - Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) hợp tác đầu tư với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), được thành lập hồi tháng 9/2021. Trong đó, phía các doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% vốn của liên doanh, 49% vốn còn lại thuộc về đối tác nước ngoài.

Vinamilk cho biết Nhà máy Vinabeef là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chuyên chế biến thịt bò đông lạnh, với quy trình chế biến được thực hiện trong môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt và đảm bảo vệ sinh cao. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2025, tổ hợp này sẽ bắt đầu vận hành một trang trại nuôi bò gần nhà máy để khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và phân phối.

Tập đoàn Sojitz đánh giá lượng tiêu thụ thịt gà và thịt lợn ở Việt Nam cao nhưng tiêu thụ thịt bò chỉ giới hạn ở mức 500.000 tấn/năm (Nhật Bản tiêu thụ 1 triệu tấn), và chủ yếu được giết mổ thông thường để bán ở chợ truyền thống. 

Theo báo cáo của Fitch Solutions, sức tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam tăng trưởng hơn 13% trong những năm gần đây, gấp đôi so với mức tăng trưởng của thịt heo. Đến năm 2026, Việt Nam dự kiến cần hơn 420.000 tấn thịt bò, trong khi sản lượng thịt có thể đáp ứng ước tính chỉ hơn 270.000 tấn. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan cho thấy, lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 lên tới 717.000 tấn, trị giá 1,43 tỷ USD.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM của Vinamilk từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tái định vị toàn bộ mảng sữa bột, Vinamilk (VNM) kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nhằm khai thác tiềm năng thị trường, bắt đầu từ năm 2022, liên doanh Chăn nuôi Việt Nhật đã thử nghiệm phân phối thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản; sau đó bán các sản phẩm thịt bò Việt Nam được chế biến tại nhà máy đối tác qua các kênh phân phối như siêu thị và nhà hàng từ 2023. Các sản phẩm này đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng.

Đến tháng 3/2023, Vinamilk và Tập đoàn Sojitz khởi công Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo trên tổng diện tích 75,6ha. Dự án bao gồm 2 phân khu chính: trang trại chăn nuôi bò thịt 10.000 con và nhà máy chế biến thịt mát với công suất 30.000 bò/năm, tương đương 10.000 tấn sản phẩm.

Theo đánh giá của nhiều hàng chứng khoán, mảng thịt bò sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Vinamilk, giúp đa dạng hoá nguồn thu trong bối cảnh mảng sữa nước truyền thống đối mặt áp lực cạnh tranh ngày càng cao.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính mảng thịt bò sẽ đóng góp ngay 1.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu của Vinamilk trong năm 2025 và tăng dần lên mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2029, với biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 15%.

Duy Quang