Một ban tổ chức chuyên nghiệp và công phu
Nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Tự hào hàng Việt Nam của Bộ Công Thương, cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp cùng hàng Việt năm nay được xây dựng rất công phu và bài bản dựa trên sự kết hợp giữa Ban tổ chức thực hiện dầy dặn kinh nghiệm là Tạp chí Công Thương và ban cố vấn gồm những chuyên gia có tiếng gần gũi với hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ như ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học FUNIX, “giáo sư” Cù Trọng Xoay Đinh Tiến Dũng - Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT và bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương - người đã có thâm niên gắn bó với Chương trình Tự hào hàng Việt.
Theo bà Đặng Thị Ngọc Thu - Tổng biên tập Tạp chí Công Thương, để có được một kịch bản hoàn chỉnh, mang đủ thông điệp mà vẫn trọn tính chất giải trí, trẻ trung, hài hước… của một cuộc chơi dành cho giới trẻ như cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp cùng hàng Việt (gọi tắt là SV hàng Việt) thì ban tổ chức đã phải khởi động từ trước đó rất nhiều tháng. Kịch bản khung được dựng lên và qua nhiều lần góp ý, gọt giũa, thêm bớt, để cuối cùng đến ngày tổng duyệt thì mới được gọi là “hòm hòm”. Các đội chơi đại diện cùng tranh tài qua các phần thi: Chào hỏi; Tài năng sinh viên - Khởi nghiệp với hàng Việt; Đừng để điểm rơi - Nhận diện hàng Việt Nam. Ngoại trừ phần thi thứ ba Đừng để điểm rơi có nội dung tập trung vào các kiến thức nhận diện hàng Việt Nam, thì hai phần đầu các đội thi có thể sáng tạo không giới hạn. Đó phần lớn là tiểu phẩm vui mang thông điệp về hàng Việt, lại có thể trổ được tài năng “đặc sản” của mỗi đội. Về khoản này “giáo sư” Cù Trọng Xoay là bậc thầy nên có thể góp ý cho các đội làm sao để tiến đến sự chuyên nghiệp nhất có thể. Chưa kể với sự hóm hỉnh, hài hước của mình, giáo sư Xoay luôn có những còm - men khiến cho đội chơi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất cũng như sự hợp lý trong việc xây dựng một kịch bản. Ví dụ như cả nhà hát cười ồ lên khi anh nói: “Nếu được thì bạn trai cố gắng sửa nói ngọng thì sẽ hiệu quả hơn” hoặc “vở diễn này vai diễn tôi thấy thành công nhất là hai cây vải”…
Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
Ai chứng kiến từ ngày tổng duyệt đến khi diễn thật sẽ thấy tiểu phẩm của đội Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã có sự thay đổi đáng kể khiến cho thông điệp “tìm đầu ra cho nông sản” là cây vải rõ ràng đến nỗi Giám khảo Lê Việt Nga hoàn toàn bị chinh phục. Giám khảo Lê Việt Nga nhận xét: Các bạn đã chuyển tải đúng thông điệp mà Bộ Công Thương và Chương trình Tự hào hàng Việt Nam đã và đang nhắm tới nên các bạn sẽ được điểm cao vì sự “đúng bài” này. Tôi cho điểm chín phẩy năm”. Nhiều và còn rất nhiều các chi tiết khác nữa. Đó chính là nhờ những đóng góp rất có tâm của Ban Tổ chức trong khâu duyệt kịch bản cho đội chơi khiến cho phần Tài năng của họ làm khán giả ngỡ ngàng, tâm đắc.
Dân chơi sợ gì mưa rơi
Đó đúng là tâm trạng chơi hết mình của 5 đội sinh viên chơi trong cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp cùng hàng Việt ngày hôm đó, đồng thời còn đúng cả về mặt nghĩa đen vì tảng sáng hôm đó trời mưa như trút nước. Theo quy định của Ban Tổ chức đúng 7h sáng, 5 đội chơi có mặt tại cổng Nhà hát lớn Hà Nội, trời mưa tầm tã, thế mà “quân lệnh như sơn”, gần 500 bạn cả các bạn thi, các thầy cô giáo cùng các cổ động viên của 5 đội đã đến đông đủ.
Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Các tiết mục đã được tập dượt nhiều lần đến mức thuộc làu làu song khi ánh đèn sân khấu bật lên, phía dưới là hàng trăm khán giả say sưa và sẵn sàng tương tác, bao trùm là một bầu không khí tưng bừng như men say khiến các bạn sinh viên diễn xuất thăng hoa hơn bao giờ hết. Lý thú và tiêu biểu nhất là phần thi Tài năng. Các đội mang đến những kịch bản đặc sắc và gây cười vì sự bất ngờ, hóm hỉnh nhưng cũng có rất nhiều tình huống khiến cả nhà hát lặng đi vì xúc động, điển hình là vở diễn về cây vải của đội Trường Đại học kinh tế kỹ thuật - Công nghiệp, hoặc sự tương tác với màn hình trong vở diễn của đội Trường Đại học Điện lực. Dù hài kịch hay bi kịch, chính kịch, thông điệp của các phần thi đều chuyển tải những kiến thức, quan điểm của giới trẻ về hàng Việt Nam và các sản phẩm được các doanh nhân người Việt làm ra. Họ yêu mến, trân trọng, tin dùng các sản phẩm đó như thế nào, họ sẽ truyền đi thông điệp về tình cảm đó theo cách của họ.
Đại học Điện lực
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội không hổ danh “đặc sản” là ngành may mặc nên có phần Chào hỏi rất tiêu biểu với màn thời trang đẹp, chuyên nghiệp và dàn người mẫu “cây nhà lá vườn” vóc dáng và phong cách ‘’lạnh’’ rất chuyên nghiệp. Xét về sự đầu tư cho trang phục, có lẽ Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tốn kém và công phu nhất.
Đội được ban giám khảo chấm cho ý tưởng độc đáo nhất là đội của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với khát vọng sáng tạo ra ô tô "made in Việt Nam" từ A đến Z. Giám khảo Nguyễn Thành Nam hóm hỉnh nhận xét: “Các bạn còn hơn anh Vượng (Phạm Nhật Vương, Chủ tịch Vingroup) rồi đấy. Tôi rất thích sáng tạo tiêu biểu này”.
Cuộc thi gay cấn nhất chính là phần Đừng để điểm rơi. Với kịch bản trò chơi rất gay cấn bằng cách khuyến khích sự tự tin, máu lửa của các đội chơi, các đội có quyền “cược điểm” để tăng điểm của mình lên nhiều hơn. Đây chính là màn chạy nước rút khá cam go khiến cho có những đội chơi đã “lội ngược dòng” chuyển bại thành thắng để rồi rinh về giải Nhất, đó chính là đội Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ai cũng tiếc cho đội Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp vì họ đã có những sai sót nhỏ song do "máu lửa" đặt cược nhiều điểm nên đã thua trắng áo. Chính những dư âm tiếc nuối này mang lại cảm xúc sung sướng cho nhà tổ chức bởi các bạn sinh viên đã nắm chặt tay nhau hẹn: “Năm sau sẽ chuẩn bị tốt hơn để tham dự” hoặc “Nhất định chúng em sẽ chiến thắng trong lần thi tới”.
Cuộc thi đã kết thúc lại khá lâu rồi mà các đội sinh viên vẫn còn nán lại chụp ảnh với nhau như lưu luyến không muốn rời, muốn xa một cuộc thi của chính họ và cho chính họ. Phải rồi, lâu lắm mới được “chín phẩy năm”, lâu lắm mới có một cuộc vui hết mình đến như thế!