Người Hà Nội ưu tiên dùng hàng Việt
Theo đánh giá của các đơn vị liên quan về hiệu quả thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, đa số các doanh nghiệp đã nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của CVĐ, chú trọng tuyên truyền quảng bá và giới thiệu sản phẩm hàng Việt, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, theo kết quả điều tra mới đây nhất của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội cho thấy 82% người dân Thủ đô ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, 92% người tiêu dùng cho biết “rất quan tâm” hoặc “quan tâm” đến CVĐ. Kết quả này cho thấy hầu hết, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã ủng hộ CVĐ.
Thực tế qua khảo sát cho thấy tại Hà Nội, 80% hàng hóa bày bán ở siêu thị, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại… là hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng phong phú, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, 90% sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh là hàng Việt. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Sở Công Thương Hà Nội trong việc tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng, cũng như chủ động lồng ghép các nội dung thực hiện với các hoạt động nhiệm vụ thường xuyên của ngành như: khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, kiềm chế lạm phát… và đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mới như “Tuần hàng Việt” tại các quận, huyện, thị xã; xây dựng thí điểm các điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”…
Hoạt động chuyên sâu gắn với CVĐ
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai CVĐ một cách hiệu quả, có chiều sâu, tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các nội dung CVĐ gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành, thành phố; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình bình ổn giá như đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất, với các chuyến xe bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt…; Triển khai chương trình liên kết hoạt động thương mại giữa Hà Nội và các tỉnh như đưa doanh nghiệp của thành phố liên kết, giao thương tại các khu vực kinh tế trọng điểm trong cả nước…; Triển khai chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại lồng ghép với CVĐ như tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, chương trình tháng khuyến mại Hà Nội…; Thực hiện các nhiệm vụ quản lý thị trường: chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, làm tốt công tác bình ổn giá…; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… theo hướng văn minh hiện đại.
Theo nhiệm vụ được giao, năm nay (là năm đầu tiên) Sở Công Thương Hà Nội đảm nhiệm vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, thành phố triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. Theo đề án này từ nay đến hết năm 2015, Hà Nội sẽ có thêm nhiều hoạt động mang tính chuyên sâu như: tổ chức khoảng 30 “Tuần hàng Việt” trên địa bàn khu vực đông dân cư tại các quận, huyện, thị xã... xây dựng các điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây được cho là tạo thêm cơ hội giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận thức hơn nữa khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa, dịch vụ từ đó hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Ngoài ra với nhiệm vụ này, doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với khách hàng, mở rộng kênh phân phối, nhưng quan trọng hơn là đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt tại Thủ đô.