Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến tháng 8/2018, địa phương này đã tiếp nhận 69 hồ sơ đăng ký thực hiện dự án điện gió với 30 nhà đầu tư, trong đó có 16 hồ sơ liên doanh đầu tư, 24 hồ sơ đầu tư nước ngoài, 29 hồ sơ đầu tư trong nước…
Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện gió sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công khai và công bằng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng yêu cầu nhà đầu tư phải có đầy đủ năng lực tài chính để đảm bảo việc triển khai dự án nhanh, sớm đưa vào khai thác. Để thuận lợi cho việc lựa chọn nhà đầu tư, Sóc Trăng đã sớm công bố bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư với những thang điểm cụ thể.
Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3909/QĐ-BCT với diện tích đất khảo sát 35.740 ha, quy mô công suất tiềm năng 1.470MW. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí với diện tích khảo sát 27.800 ha, quy mô công suất tiềm năng 1.155 MW (quy mô công suất phát triển 200 MW); giai đoạn 2021 - 2030 phát triển các dự án điện gió tại 9 vị trí với diện tích khảo sát 7.940 ha, quy mô công suất tiềm năng 315 MW.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800MW và đến năm 2030 đạt 6.000MW.Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió lớn, ước tính đạt trên 500.000MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.