Trong quý 3/2023, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã cổ phiếu STK - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 377 tỷ đồng và lãi ròng 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 26,7% và 66,8% so với quý 3/2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ giảm 36,3%, đạt 1.072 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm; lãi ròng giảm 71,8%, đạt 55 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch cả năm nay.
Đơn hàng sợi tái chế sụt giảm mạnh, lợi nhuận sợi nguyên sinh được cải thiện
Đáng chú ý, cơ cấu doanh thu của Sợi Thế Kỷ trong quý 3/2023 ghi nhận sự sụt giảm mạnh đối với các đơn hàng sợi tái chế. Theo đó, tỷ trọng sợi tái chế trong cơ cấu doanh thu giảm từ 53,4% trong quý 3/2022 xuống còn 41,6% trong quý 3/2023 với sản lượng tiêu thụ giảm 37% và giá bán trung bình giảm 8%.
Nguyên nhân chủ yếu do các nhãn hàng hạn chế đặt đơn hàng sợi tái chế vốn có giá cao hơn sợi nguyên sinh để cắt giảm chi phí trong bối cảnh nhu cầu dệt may vẫn ảm đạm và triển vọng kinh tế toàn cầu kém tích cực. Đồng thời, mặt hàng sợi của Việt Nam chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ sợi giá rẻ từ Trung Quốc.
Ngược lại, sợi nguyên sinh ghi nhận sự cải thiện nhẹ về tỷ trọng, chiếm 58,4% tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ trong quý 3/2023, so với mức 46,9% của quý 3/2022.
Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết, công ty đang cố gắng duy trì biên lợi nhuận thay vì giảm giá bán để đẩy nhanh đơn hàng. Do đó, biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2023 vẫn được duy trì ở mức 14,8% tương đương với quý 2/2023 và chỉ thấp hơn 2,8 điểm phần trăm so với quý 3/2022, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tổng thể giảm 22,5% và giá bán trung bình giảm 5,4% so với quý 3/2022.
Trong khi đó, giá PET chip nguyên sinh trung bình trong quý 3/2023 đã giảm 11,8% so với quý 3/2022, góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng sợi nguyên sinh lên mức 7,9% vào quý 3/2023. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp sợi tái chế giảm còn 24,4% do giá bán và sản lượng sợi tái chế giảm lần lượt 8,8% và 37,1% so với quý 3/2022.
Sợi Thế Kỷ đối mặt khó khăn trong ngắn hạn
Tính đến tháng 11/2023, công suất hoạt động của nhà máy Củ Chi và nhà máy Trảng Bàng của Sợi Thế Kỷ đạt khoảng 60% - 65%.
Đối với dự án nhà máy Unitex, tính đến cuối tháng 9/2023, tiến độ xây dựng chung đã đạt 70%, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối quý 1/2024 và đưa giai đoạn 1 (công suất 36,000 tấn/năm) vào hoạt động từ quý 3/2024.
Sau khi đưa nhà máy Unitex giai đoạn 1 vào hoạt động, tổng công suất của Sợi Thế Kỷ sẽ tăng khoảng 57% đạt 99.000 tấn/năm.
Xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam đã bắt đầu có diễn biến tích cực hơn từ quý 2/2023 và duy trì đà tăng trưởng nhẹ, đạt 483.000 tấn vào quý 3/2023, tăng 5% so với quý 2/2023. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia ngành hàng dệt may hiện giữ quan điểm lạc quan trong thận trọng về tốc độ phục hồi của ngành hàng dệt may nói chung, ngành hàng xơ sợi nói riêng.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Phú Hưng Securities, tốc độ phục hồi đơn hàng của Sợi Thế Kỷ trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức chậm và chờ đợi vào nửa cuối năm 2024. Theo đó, Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng dư cung và công suất sử dụng của cả 03 nhà máy trong năm 2024 sẽ chỉ đạt khoảng 50% - 60%.
Tuy nhiên, Phú Hưng Securities đánh giá việc đưa nhà máy Unitex giai đoạn 1 vào hoạt động sẽ là tiền đề cho Sợi Thế Kỷ đón đầu xu hướng thời tranh xanh khi các nhãn hàng lớn trên toàn cầu đều cam kết hành động chống biến đổi khí hậu và sử dụng sợi tái chế đạt tỷ lệ 50% - 100% đến năm 2025. Đây cũng là giai đoạn để Sợi Thế Kỷ dự trữ nguồn lực chuẩn bị cho thời điểm thị trường phục hồi.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sợi Thế Kỷ dự kiến đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu STK trong đợt chào bán riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu STK tới đây. Phần lớn số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được Sợi Thế Kỷ dùng để phát triển nhà máy Unitex.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 17/11, thị giá cổ phiếu STK đạt 27.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 16% so với thời điểm đầu năm nay.