Chủ tịch và Phó Chủ tịch muốn mua vào lượng lớn cổ phiếu STK
Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã cổ phiếu STK - sàn HoSE) vừa thông qua việc triển khai phương án chào bán riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu STK cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đợt chào bán này dự kiến được thực hiện ngay trong năm nay.
Giá chào bán thấp nhất là 18.300 đồng/cổ phiếu và cao nhất là 60.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Tại thời điểm chào bán, căn cứ tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà đầu tư, HĐQT Sợi Thế Kỷ sẽ có nghị quyết thông qua mức giá chào bán cuối cùng cho nhà đầu tư sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
HĐQT Sợi Thế Kỷ cho biết, có 03 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đợt chào bán, bao gồm: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán 2019; Nhà đầu tư có thể đồng hành cùng công ty trong thời gian dài; Nhà đầu tư không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty.
Theo danh sách công bố của HĐQT Sợi Thế Kỷ, dự kiến có 04 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được lựa chọn mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ. Trong đó, ông Đặng Triệu Hoà - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ dự kiến mua 5,5 triệu cổ phiếu STK và bà Đặng Mỹ Linh - Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ dự kiến mua 7 triệu cổ phiếu STK.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán, dự kiến từ hơn 247 tỷ đồng đến 810 tỷ đồng, sẽ được Sợi Thế Kỷ sử dụng để bổ sung nguồn vốn lưu động của công ty. Trong đó, 73% số tiền thu được sẽ cho Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm UNITEX - công ty con của Sợi Thế Kỷ - vay mượn để xây dựng nhà máy giai đoạn 1, mua máy móc thiết bị, và trả lãi vay trong giai đoạn quý 1/2024 - quý 1/2025.
27% số tiền thu được còn lại sẽ được Sợi Thế Kỷ dùng để chi trả tiền điện và mua nguyên vật liệu trong giai đoạn quý 3/2024 - quý 1/2025.
HĐQT Sợi Thế Kỷ cũng cho biết, nếu vốn huy động không đủ như dự kiến ban đầu, công ty sẽ cân nhắc lựa chọn, điều chỉnh phương án sử dụng vốn để đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nguồn vốn cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của công ty và cân nhắc đến phương án vay vốn lưu động từ ngân hàng.
Nhà máy UNITEX - Động lực tăng trưởng mới của Sợi Thế Kỷ
Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp sản xuất sợi lâu đời tại Việt Nam với sản phẩm chính là sợi poly. Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất sợi FDY và DTY với công suất 63.000 tấn/năm. Sợi Thế Kỷ đang nỗ lực hiện thực hoá tham vọng gia tăng sản lượng sợi chất lượng cao, mở rộng thị phần trong nước với việc tăng tốc triển khai dự án nhà máy mới UNITEX có tổng công suất 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 là 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm).
Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, dự án UNITEX sẽ giúp nâng tổng công suất của công ty lên gấp đôi so với công suất hiện nay. Bên cạnh đó, với việc tăng tỷ lệ sản xuất các loại sợi đặc biệt thân thiện với môi trường, dự án này sẽ giúp công ty nâng cao tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế bảo vệ môi trường (hạt nhựa PET chip tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng), đáp ứng xu hướng hiện nay của các hãng thời trang, đặc biệt là khách hàng thương hiệu.
Giữa tháng 3/2023, Sợi Thế Kỷ đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng trị giá 52,5 triệu USD (gần 1.233 tỷ đồng) cho dự án UNITEX, khoản vay này có thời hạn vay là 57 tháng và dự kiến sẽ được giải ngân trong năm 2023 và 2024. Một số tổ chức tài chính hiện nhận định dự án UNITEX có thể đi vào hoạt động trong quý 1/2024 với công suất 40% để áp ứng làn sóng phục hồi của ngành dệt may vào năm sau.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 13/11, cổ phiếu STK có giá tham chiếu tại mức 27.550 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 16% so với thời điểm đầu năm nay.