Đó là môi trường giáo dục mang tên Startup Education (SE). Phóng viên Tạp chí Công Thương có buổi trò chuyện giao lưu trực tuyến với Chủ tịch Nguyễn Công Thái - nhà sáng lập và điều hành của SE để gửi đến quý độc giả.
PV: Được biết SE đã và đang tạo ra rất nhiều sự khác biệt trong môi trường giáo dục bị ngưng trệ vì Covid như hiện tại, vậy, điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó thưa anh?
Chủ tịch Nguyễn Công Thái: Nói về yếu tố khác biệt ở SE trong môi trường giáo dục hiện tại, thì tôi cho rằng có rất nhiều, nhưng tựu trung lại là có 5 điểm chính.
Thứ nhất, SE có triết lý kinh doanh và triết lý giáo dục rất riêng. Cụ thể, thay vì lấy yếu tố LỢI NHUẬN làm nền tảng, thì SE áp dụng triết lý kinh doanh chính trực và ngay thẳng, lấy GIÁ TRỊ làm gốc, dựa vào quy luật phát triển bền vững, cũng chính là là tiến trình hình thành và phát triển sự sống. Thay vì giáo dục chú trọng vào LƯỢNG KIẾN THỨC như thông thường, thì SE áp dụng triết lý giáo dục bằng tình yêu thương, lấy tình yêu thương làm cái tâm điểm của giáo dục.
Thứ hai, SE có hệ thống giá trị cốt lõi chạm sâu vào mong muốn của nhiều người. Đó chính là hệ thống giá trị “Nâng tầm trí tuệ - Gia tăng năng lực - Phụng sự xã hội” từ đó giúp mọi người “Chăm sóc cái bụng - Thấu hiểu trái tim - Nuôi dưỡng tầm nhìn”. Bất kỳ ai vào SE để học tập đều nhận được giá trị cho chính bản thân mình, phát huy được hạt giống siêu anh hùng có sẵn trong mình và chia sẻ giá trị cho người khác thông qua tinh thần phụng sự. Những giá trị này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với các doanh nghiệp, tổ chức, hay rộng hơn là cả một xã hội.
Thứ ba, SE có mô hình kinh doanh trí tuệ tinh – gọn – nhẹ. Sản phẩm và dịch vụ của SE là tài sản vô hình trên nền tảng tài sản trí tuệ, tài sản công nghệ, tài sản luật vũ trụ, để phát triển nguồn lực con người. Khi con người phát triển thì tự động giá trị và tiền bạc sẽ phát triển theo.
Thứ tư, SE có quy trình khởi nghiệp thịnh vượng và bình an trên nền tảng tam bảo (thầy hiền trí – sách tinh hoa – nhóm bạn tốt) và ba gốc (đạo đức - trí tuệ - nghị lực), đảm bảo bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào vận hành quy trình khởi nghiệp này đều sẽ phát triển bền vững.
Thứ năm, SE xây dựng hệ sinh thái giáo dục toàn diện và toàn dân - nơi mọi người có thể cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phát triển, ai cũng là Thầy, ai cũng là Trò, người học cũng là người chia sẻ và người chia sẻ cũng là nhà đào tạo. Chúng tôi kiến tạo hệ thống 7 thói quen thịnh vượng, hạnh phúc, bình an và cùng nhau tạo lập những “học trò hạnh phúc, thầy cô giáo hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc” và hướng tới một xã hội học tập thấm đẫm tình yêu thương, vui vẻ, bình an và hạnh phúc.
PV: Được biết hiện nay SE có chương trình Zoom sáng, vào lúc 4h30 sáng mỗi ngày thì SE sẽ tổ chức các buổi chia sẻ của các chuyên gia khắp trong và ngoài nước để mọi người có thể rèn luyện thói quen dậy sớm và học tập tri thức mới phải không ạ?
Chủ tịch Nguyễn Công Thái: Một ngày có 24 giờ thì chúng tôi sắp xếp và tổ chức rất nhiều chương trình, chủ yếu trực tuyến qua nền tảng Zoom để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận để học. Chương trình Zoom sáng là chương trình khởi đầu một ngày mới, nơi mọi người cùng nhau thức giấc để đón nhận những năng lượng đầu ngày và lắng nghe chia sẻ của rất nhiều chuyên gia về các chủ đề gia đình, trường lớp, xã hội, luật pháp v.v…
Mỗi sáng có trung bình khoảng 2000 người tham dự, chứng tỏ sức hút của chương trình rất lớn và cũng chứng tỏ nhu cầu học tập của người Việt rất cao. Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn cũng đã phát biểu rằng “Khi muốn xem một con người như thế nào, hãy xem khả năng mà người ấy tự học, tự giải quyết vấn đề của bản thân ra sao". SE làm đúng tinh thần ấy từ đầu tới giờ, và chương trình SE sáng chính là “Đại học cuộc đời” cho những ai muốn tự học để phát triển bản thân mình. Các chương trình này thường được phát lại trên kênh Youtube “Startup Education”, quý vị có thể ghé Kênh để tham khảo.
PV: Câu hỏi cuối cùng tôi muốn trao đổi là, một đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có gặp những khó khăn nào thưa anh?
Chủ tịch Nguyễn Công Thái: Khó khăn thì ngành nào cũng có và cũng phải đối mặt trong tình cảnh hiện tại. Nhưng đối với mảng giáo dục, khó khăn lớn nhất đó là nhiều người còn mắc kẹt với hai luồng tư duy “làm kinh doanh” và “làm giáo dục” và cho rằng nếu làm giáo dục thì không kinh doanh và nếu kinh doanh thì không nên chọn lĩnh vực giáo dục.
Bài học ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể cho thấy điều ngược lại. Và ở Việt Nam, nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách xã hội hóa giáo dục, nhiều công ty và đơn vị tư nhân làm giáo dục rất tốt, đã góp thêm những gam màu tươi sáng cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Tôi mong rằng ngày càng nhiều những cá nhân trong xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn cho những doanh nghiệp hoạt động mảng giáo dục để các học sinh, các thầy cô, những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cơ hội hơn, nhiều điều kiện hơn để sống hết với tiềm năng của họ.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà Covid đang càn quét khắp các tỉnh thành của Việt Nam, thì sau Covid sẽ “để lại một lượng phù sa” rất lớn theo quy luật tự nhiên là “lũ qua đi thì để lại phù sa”. Và riêng đối với mảng giáo dục, lượng phù sa đó chính là cơ hội để giáo dục phát triển, định hình nên rất nhiều cái mới: cách học mới, cách dạy mới, cách tư duy mới và con người làm giáo dục mới. Chính thầy cô và học sinh dám học, tự học, sẽ bứt phá mọi rào cản tư duy về cơ chế, chính sách lỗi thời để có thể học tập đáp ứng với điều kiện sống khắc nghiệt ở hiện tại thì khó khăn và rào cản đó sẽ không còn.
PV: Xin cảm ơn ông!