Sữa Quốc tế LOF (IDP) chi hơn trăm tỷ đồng “thâu tóm” doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa

Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (mã cổ phiếu IDP) vừa công bố kế hoạch mua lại hơn 34% cổ phần một doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa tại Tuyên Quang.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (mã cổ phiếu IDP - sàn UPCoM) vừa thông qua kế hoạch mua lại 34,29% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hồ Toản. Cụ thể, Sữa Quốc tế LOF sẽ nhận chuyển nhượng 7,2 triệu cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu của Công ty Cổ phần Hồ Toản với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch vào khoảng 144 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Hồ Toản được thành lập vào tháng 3/2016, hoạt động chính trong mảng chăn nuôi trâu, bò, đặt trụ sở tại thôn Yên Phú, xã An Tường, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Khởi đầu với mức vốn điều lệ 65 tỷ đồng, công ty này đã thực hiện 3 đợt nâng vốn, lên mức 210 tỷ đồng vào năm 2022.

Sữa Quốc tế LOF
Công ty Cổ phần Hồ Toản đang sở hữu 01 trang trại nuôi bò với 500 con vắt sữa tại tỉnh Tuyên Quang.

Công ty Cổ phần Hồ Toản đang sở hữu 01 trang trại nuôi bò với tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, đặt tại Thôn 14, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trang trại này có quy mô 1.000 con bò giống HF nhập khẩu từ Australia, trong đó có 500 con vắt sữa.

Về hoạt động kinh doanh của Sữa Quốc tế LOF, kết thúc quý 1/2025, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 1.831 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 52,1%, còn 107 tỷ đồng.

Năm nay, công ty lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu ở mức 8.400 - 8.800 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 10% - 14% so với mức thực hiện của năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ từ 360 - 440 tỷ đồng, tương ứng giảm 50% - 59% so với năm ngoái.

Ban lãnh đạo Sữa Quốc tế LOF cho biết việc các doanh nghiệp trong ngành đều tăng các hoạt động truyền thông và khuyến mãi kèm theo việc chạy đua sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều nhãn hàng có chung phân khúc sản phẩm. Do đó, công ty giữ quan điểm thận trọng với các kế hoạch kinh doanh năm nay.

Như vậy, sau quý đầu năm, Sữa Quốc tế LOF đã hoàn thành gần 30% mục tiêu lợi nhuận tối thiểu và hơn 24% mục tiêu lợi nhuận tối đa cả năm nay.

Xem thêm: "Sữa Quốc tế LOF (IDP) muốn trở thành công ty F&B hàng đầu Đông Nam Á" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa qua, cổ đông Sữa Quốc tế LOF đã thông qua việc nâng vốn đầu tư dự án Nhà máy sữa LOF Bình Dương lên mức 6.500 tỷ đồng. Nhà máy này dự kiến được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Trong Giai đoạn 1, nhà máy có công suất thiết kế 250.000 tấn sản phẩm/năm với nhóm sản phẩm sữa và chế biến từ sữa, và 50.000 tấn sản phẩm/năm với mảng đồ uống không cồn, nước khoáng (không có gas).

Trong Giai đoạn 2, công suất của nhà máy sẽ được nâng lên mức 286.000 tấn sản phẩm/năm với nhóm sản phẩm sữa và chế biến từ sữa; 98.500 tấn sản phẩm/năm với đồ uống không cồn, nước khoáng; và 500 tấn sản phẩm/năm với nhóm thực phẩm khác.

Sữa Quốc tế LOF hiện lên kế hoạch đưa Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào vận hành trong quý 1/2025 và bắt đầu triển khai Giai đoạn 2 từ quý 2/2026 với mục tiêu khai thác từ quý 2/2027.

Về định hướng kinh doanh thời gian tới, ông Bùi Hoàng Sang - Tổng giám đốc Sữa Quốc tế LOF khẳng định công ty sẽ theo đuổi mục tiêu tăng doanh số lên gấp đôi trong 5 năm tiếp theo và đẩy mạnh thâm nhập thị trường ASEAN. Trong dài hạn, công ty sữa này đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ USD, lọt top các công ty thực phẩm và thức uống (F&B) lớn nhất ASEAN.

Duy Quang