Tác động lan toả của FDI đến các doanh nghiệp trong nước: Thực trạng và giải pháp

Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm mặc dù nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp.

Qua hơn 35 năm hiện diện tại Việt Nam, nguồn vốn FDI đóng vai trò là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm xấp xỉ 23% tổng vốn đầu tư cả nước, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong khu vực, hiện đóng góp khoảng 20% GDP.

Trong giai đoạn 2011-2020, khu vực kinh tế FDI chiếm bình quân 28% tổng thu ngân sách nhà nước; trong đó Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%), Bắc Giang (60%) và Bình Dương (52%). Khoảng 55% vốn FDI đăng ký tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông. Lũy kế đến 20/12/2021, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với trên 35.500 dự án FDI còn hiệu lực đồng thời số vốn đã giải ngân đạt 251 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Một đóng góp quan trọng nữa rất được quan tâm của nguồn vốn FDI là tạo ra tác động lan tỏa công nghệ, góp phần nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, lan tỏa từ FDI sang doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế, với nhiều nguyên nhân, do các yếu tố nội tại, đặc trưng và năng lực của doanh nghiệp trong nước.

Thực trạng tác động lan tỏa của FDI

Tác động lan toả của FDI
Một số nghiên cứu định lượng, FDI được thu hút vào Việt Nam đã có tác động lan tỏa tích cực đến thúc đẩy đổi mới, qua đó giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp trong nước.

Tác động lan tỏa của FDI thường được xem xét đa chiều theo 4 kênh tác động căn bản bao gồm: (i) tác động do tương tác đầu ra-đầu vào giữa DN FDI và DN trong nước, xuất hiện nhờ liên kết xuôi (forward effect) hoặc/và liên kết ngược (backward effect); (ii) tác động nhờ phổ biến và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, (iii) tác động nhờ học hỏi, vận dụng các phương pháp quản lý hiệu quả dẫn đến tăng năng lực cạnh tranh; và (iv) tác động nhờ nâng cao trình độ lao động trong quá trình được đào tạo và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ doanh nghiệp FDI. Trong đó, tác động lan tỏa qua chuyển giao công nghệ rất được các nước tiếp nhận FDI mong đợi. Trên thực tế, hầu hết quốc gia đang phát triển đều thiết kế chính sách nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ từ FDI cho khu vực trong nước, qua đó cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh và đích đến cuối cùng nhắm đến là để tăng năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước.

Theo một số nghiên cứu định lượng, FDI được thu hút vào Việt Nam đã có tác động lan tỏa tích cực đến thúc đẩy đổi mới, qua đó giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp trong nước. Tuy vậy, mức độ tác động tích cực còn thấp, chủ yếu là nhờ khả năng cạnh tranh, học hỏi, mua máy móc kèm chuyển giao công nghệ, trong khi lan toản thông qua liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản hạn chế nhận được tác động lan tỏa từ FDI.

Thêm nữa thực tế cũng cho thấy các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Lượng FDI thu hút được nhiều, tỷ lệ giải ngân tăng, nhưng doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI còn ít, do đó tác động lan toả công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn dưới mức tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Tác động lan tỏa của FDI trong một số ngành như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, tài chính - ngân hàng... là nhờ đổi mới công nghệ khá nhanh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Ở các lĩnh vực khác, công nghệ lạc hậu đang là yếu tố cản trở liên kết sản xuất và thu tác động lan tỏa. Theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam vào năm 2019, 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao và nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa có phương án thay thế các máy móc sản xuất vốn đã lạc hậu 2 – 3 thế hệ công nghệ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhưng nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Thực trạng đổi mới của doanh nghiệp trong nước và liên kết sản xuất qua kênh FDI

Công nghệ và sáng tạo vẫn trong tình trạng là “điểm yếu” với mức xếp hạng thấp nhất kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy Việt Nam xếp hạng 67/141 nền kinh tế trong năm 2019, và đứng ở vị trí 7/9 quốc gia ASEAN (tương tự như 2018, Việt Nam vẫn chỉ đứng trên Lào và Campuchia).

Điều đáng ghi nhận là Việt Nam là quốc gia có điểm số và thứ hạng tăng nhiều nhất trên bảng xếp hạng GCI 4.0 2019. Tuy nhiên, đánh giá chi tiết của WEF về các trụ cột cấu thành chỉ số GCI 4.0 cho thấy Việt Nam có 5/12 chỉ số nằm trong top ASEAN 4, song cùng với Lào và Campuchia, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng ASEAN. 7/12 số trụ cột còn lại của Việt Nam thấp hơn nhóm ASEAN 4, gồm: Thể chế; Ổn định kinh tế vĩ mô; Kỹ năng; Thị trường lao động; Hệ thống tài chính; Mức độ năng động trong kinh doanh; và Năng lực đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trụ cột năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 trong ASEAN 9 và xếp thứ 76/141 nền kinh tế. Trong khi đó, trụ cột kỹ năng ở vị trí thứ 7 trong ASEAN 9 và xếp vị trí 93/141 quốc gia được khảo sát.

Tốc độ đổi mới công nghệ cũng là một điểm yếu của Việt Nam. Các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cho thấy mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ của Việt Nam yếu hơn đáng kể so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Thái Lan. Trong đó, các nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra rằng mức độ sẵn có của công nghệ mới, khả năng hấp thụ công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp, và chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ở mức thấp. Vẫn còn tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả.

Điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự tham gia rất hạn chế của doanh nghiệp vào hoạt động R&D: chỉ có 6,23% số DN được điều tra có tham gia vào hoạt động R&D. Thực tế này cho thấy Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo, qua đó thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy so với các nước trong khu vực thì các doanh nghiệp Việt Nam đang rất nỗ lực cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất nhưng hiếm khi giới thiệu được những sản phẩm mới và có những chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Thêm nữa, trong khi một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp khẳng định có chi tiêu cho R&D, thì tỉ trọng mức chi tiêu trung bình mà DN thực chi trong tổng doanh thu vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác và khá là ít các doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào những kiến thức đã được cấp phép hay cấp bằng sáng chế để hỗ trợ cho những nỗ lực đổi mới. Có khoảng 23% doanh nghiệp Việt nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại. Đây là mức trung bình khi so sánh với các quốc gia khu vực, ví dụ Campuchia và Phillippines có trên 30%, trong khi Thái Lan, Lào và Malaysia có mức thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng những cải tiến của họ là mới đối với thị trường của họ hơn là với các nước khác. Đặc điểm quan trọng nhất của các sản phẩm mới mà các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu là nhằm nâng cao chất lượng, giống như các các nước khác trừ Lào. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là đổi mới sản phẩm tại Việt Nam diễn ra thường xuyên hơn các nước khác là nhằm cắt giảm chi phí, nhưng lại ít thường xuyên hơn trong trường hợp giới thiệu các tính năng hoàn toàn mới.

Về hoạt động chuyên giao công nghệ, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong số các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được phê duyệt, số hợp đồng thuộc lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 63%, chế biến nông sản, thực phẩm chiếm 26% và y dược, mỹ phẩm chiếm 11%. Theo đó, nhiều công nghệ mới đã được thực hiện chuyển giao công nghệ và nhiều sản phẩm mới đã được sản xuất trong các xí nghiệp FDI; đi kèm việc việc thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ là nhiều cán bộ, công nhân đã được đào tạo mới và đào tạo lại để cập nhật kiến thức phù hợp với yêu cầu mới. Hoạt động chuyển giao công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI cũng góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước trong bối cảnh cạnh tranh của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế là tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế còn hạn chế, do hầu hết công nghệ sử dụng trong dự án FDI là công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biến ở chính quốc, thêm nữa ý thức thực hiện các quy định luật pháp trong chuyển giao công nghệ còn thấp, hiệu lực thực thi còn hạn chế.

Trong số các nguyên nhân kìm hãm hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm cơ chế quản lý kinh tế chưa tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ; Đầu tư phát triển KHCN còn hạn hẹp; chuyển giao công nghệ trong điều kiện đổi mới công nghệ còn lẻ tẻ, thiếu quy hoạch và chiến lược; Năng lực tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu; Thêm nữa, trình độ thẩm định công nghệ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nâng giá công nghệ quá mức, gây thiệt hại trước mắt và lâu dài cho phía Việt Nam.

Nhìn chung, mức độ chuyên giao công nghệ của khu vực FDI cho khu vực doanh nghiệp trong nước không tương xứng với vai trò và tiềm năng. Mức độ chuyển giao công nghệ thấp được thể hiện trên một số khía cạnh sau đây: số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn; các đối tác đầu tư đến từ các quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn như Mỹ, Nhật Bản, EU… còn rất ít trong tổng dự án FDI đã đăng ký; mức độ hiện đại và cập nhật của các công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam ở mức thấp; tỷ lệ nội địa hóa thấp làm hạn chế mức độ chuyển giao công nghệ; và khoảng cách công nghệ có tác động ngược chiều đến hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ FDI đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Về liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đánh giá của WB  về năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho thấy, hiện tại thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp cấp ba, chủ yếu là tham gia sản xuất các nguyên liệu đầu vào nguyên liệu đơn giản và ít giá trị gia tăng và/hoặc các linh kiện đơn giản, do vậy sự tham gia vào chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho thấy thiếu vắng mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ thượng nguồn với các doanh nghiệp hạ nguồn, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Điều này hạn chế khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ cùng ngành/lĩnh vực để hình thành các cụm liên kết ngành đủ mạnh, có khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn của nhà đầu tư nước ngoài; chưa hình thành được những doanh nghiệp công nghiệp hỗ lớn có khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ khác. Vai trò của các hiệp hội, ngành hàng chưa phát huy được vai trò kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ để tạo nền tảng cho một nền sản xuất lớn. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cũng còn rời rạc, lỏng lẻo.

Những liên kết hữu ích giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam còn thể hiện nhiều sự rời rạc, đặc biệt là các liên kết với các nhà đầu tư nhóm tìm kiếm hiệu quả như Samsung và các nhà đầu tư khác sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới. Ngay cả trong trường hợp có sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì đa phần các liên kết đó cũng mới chỉ liên quan đến nguồn cung đầu vào có giá trị gia tăng thấp hay những đầu vào không có giá trị thương mại như vật tư bao bì.

Một số vấn đề về chính sách trong việc thúc đẩy tác động lan toả của FDI

Cùng với sự hiện diện của FDI trong hơn 35 năm qua, hành lang pháp lý nhằm thu hút và nâng cao hiệu quả FDI đã có nhiều cải thiện, bao gồm nhiều chính sách thúc đẩy tác động lan tỏa của FDI. Tuy nhiên hiện trạng chính sách liên quan đến đổi mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn tồn tại nhiều bất cập đáng lưu ý, bao gồm:

Thứ nhất, các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ đã được cải thiện nhưng còn chậm được triển khai và khi triển khai lại thiếu sự nhất quán, hiệu lực thực thi kém, gây cản trở và làm chậm trễ hoạt động chuyển giao công nghệ và tác động lan tỏa công nghệ của FDI. Ví dụ điển hình là Luật Đầu tư nước ngoài 1987 đã khẳng định chuyển giao công nghệ là một mục tiêu quan trọng của chính sách đầu tư nước ngoài, tuy nhiên đến tận năm 1990 Pháp lệnh chuyển giao công nghệ đầu tiên mới được ban hành ở Việt Nam. Một số ví dụ khác như Nghị định 11/2005/ NĐ-CP về chuyển giao công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ 2006, Luật đầu tư 2005, 2014 dẫu có những điều chỉnh với nhiều ưu đãi hơn cho hoạt động chuyển giao công nghệ, tuy nhiên, hiệu quả còn chưa rõ ràng, hiệu lực thực thi kém, dẫn đến thực tế là vấn đề chuyển giao công nghệ không thực sự được các doanh nghiệp FDI lưu ý.

Thứ hai, hệ thống ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành, lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc chưa cho thấy sự hiệu quả. Trên cơ sở các ưu đãi nhằm thu hút FDI nói chung, một số ưu đãi thuế được Chính phủ ban hành nhằm định hướng FDI theo các tiêu chí khác nhau: địa bàn, khu vực kinh tế, khu công nghệ cao; lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng, sản xuất phần mềm, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, môi trường... Trong đó, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao được ưu đãi cao nhất nhưng phải đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. Tuy nhiên, tác động của chính sách này đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thêm nữa, đối tượng chọn lọc trong các văn bản luật chưa được định nghĩa rõ ràng khiến cho các ưu đãi thuế và trợ cấp không đến được đúng đối tượng.

Thứ ba, chính sách khuyến khích hoạt động R&D chưa phát huy hiệu quả. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng và rà soát, chỉnh sửa, ban hành nhiều văn bản pháp lý đã được ra đời nhằm khuyến khích hoạt động R&D như: Luật Khoa học công nghệ 2000, sửa đổi 2013, 2014; các nghị định hướng dẫn thực thi luật NĐ 08/2014 về việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; Nghị định 95/2014 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.... doanh nghiệp sẽ phải trích quỹ từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này còn hạn chế do cơ chế quản lý còn khá lỏng lẻo và hiệu lực thực thi kém. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành quỹ khoa học công nghệ không rõ gây nhiều khó khăn cho DN trong quá trình tiếp cận và tự chủ nguồn quỹ, khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư cho R&D. Ngoài ra còn do nhiều các yếu tố khác về nhân sự, tài liệu nghiên cứu, phòng thí nghiệm, sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp... ở Việt Nam còn khá yếu.

Thứ tư, hệ thống chính sách thúc đẩy liên kết DN trong và ngoài nước còn thể hiện nhiều bất cập. Mặc dù Chính phủ đã chú trọng quan tâm nhiều hơn đến các chính sách tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các chương trình liên kết, quy định về tỷ lệ nội địa hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách luân chuyển lao động, đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc xây dựng và thực thi chính sách nên kết quả còn nhiều hạn chế.

Thứ năm, liên quan đến chính sách phát triển nguồn nhân lực thì khung pháp lý hiện thời về phát triển nguồn nhân lực cả về cả kiến thức và kỹ năng, luân chuyển lao động chưa hiệu quả trong việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thêm nữa, các chính sách phát triển nguồn nhân lực mới tập trung ở chiều rộng mà chưa chú trọng đến chiều sâu về chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng năng lực học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu. Khảo sát của WB về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 nước Đông Á, Việt Nam bị đánh giá là thiếu hụt nghiêm trọng về thái độ làm việc, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Các khảo sát khác cũng cho thấy đơn vị tuyển dụng gặp khó khăn trong tuyển dụng do các ứng viên không có các kỹ năng phù hợp hoặc do sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề. Trong khi nền kinh tế đang khan hiếm lao động trình độ cao ở nhiều ngành nghề như thiết kế, quản trị nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao, luật sư, khoa học môi trường, kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí... thì sinh viên ra trường chủ yếu là cử nhân tài chính, ngân hàng, kế toán, luật... Hơn nữa, Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để tăng năng suất và sức cạnh tranh do học sinh tốt nghiệp cấp trung học phổ thông đều chọn con đường học đại học.

Một số mô hình liên kết doanh nghiệp ở một số ngành có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia lớn đã khá thành công nhưng chủ yếu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và gia công (Unilever Việt Nam và Samsung Việt Nam là những trường hợp điển hình), và tương đối hiếm. Nguyên nhân chủ yếu là do nội lực của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ tầm để thực hiện các chương trình liên kết. Ngoài phụ thuộc vào trình độ không tương xứng của Việt Nam về công nghệ, mức độ liên kết và tác động lan toả còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh của công ty FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa doanh nghiệp FDI với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học trong nước còn rất yếu và hiện rất thiếu các cơ chế hỗ trợ thực sự từ chính phủ.

Một số giải pháp thúc đẩy tác động lan tỏa của FDI

Qua đánh giá thực trạng đổi mới, chuyên giao công nghệ và liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có thể nhận định rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút FDI, qua đó tạo ra những tác động lan tỏa công nghệ tích cực, hỗ trợ tăng năng suất khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên mức độ tác động lan tỏa vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của định hướng thu hút FDI có chọn lọc và hiệu quả. Theo đó, cần xem xét triển khai hai nhóm giải pháp chính sách căn bản, bao gồm:

Một là, thực hiện nhóm giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện nội dung chính sách FDI theo hướng thúc đẩy tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước.

  • Rà soát các chính sách ưu đãi tài chính, điều chỉnh cách thức ưu đãi và thực hiện, đồng bộ nhất quán trên phạm vi cả nước đối với FDI. Thực hiện nguyên tắc cấp ưu đãi tài chính một cách chọn lọc, có mức độ và tập trung, không ưu đãi dàn trải; các ưu đãi cần có thời hạn ổn định, tiêu chí xác định cụ thể, được hướng dẫn cụ thể nơi xét duyệt ưu đãi và công bố để tất cả các bên liên quan đều hiểu và thực hiện thống nhất trên toàn quốc; các ưu đãi cần kèm theo yêu cầu về kết quả. Trên cơ sở đó điều chỉnh và quy định cụ thể, chi tiết những lĩnh vực khuyến khích thu hút FDI và các ưu đãi đầu tư. Hai tiêu chí quan trọng nhất để xác định phạm vi khuyến khích thu hút FDI là FDI được thu hút phải có tác động: (1) tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm và (2) tác động lan tỏa tích cực đến khu vực doanh nghiệp trong nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
  • Điều chỉnh chính sách phát triển khu công nghiệp theo hướng ưu tiên hình thành các cụm ngành, tạo điều kiện cho liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó thiết lập mối quan hệ cung ứng sản xuất giữa các khu công nghiệp và tăng hiệu quả của FDI. Theo đó bổ sung mục tiêu phát triển các khu này thành các cụm ngành và điều chỉnh mục tiêu xúc tiến đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, có năng lực, có khả năng hợp tác với doanh nghiệp trong nước, sử dụng đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước và ngược lại. Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. Tích cực huy động nguồn vốn đầu tư; đầu tư theo chiều sâu; sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ của các tập đoàn, tổng công ty để đầu tư cho hoạt động khoa học & công nghệ.
  • Các khía cạnh khuyến khích FDI nhằm cải thiệu hiệu ứng lan tỏa công nghệ cần lưu ý bao gồm: (i) Đối với ngành/lĩnh vực khuyến khích FDI: Trong lĩnh vực sản xuất, nên hạn chế thu hút FDI vào các ngành khai thác; các lĩnh vực nên ưu tiên thu hút FDI vào là: công nghệ cao phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, ngành sử dụng ít năng lượng, thân thiện môi trường; chế biến thực phẩm an toàn sử dụng nhiều đầu vào trong nước và công nghiệp hỗ trợ cho những ngành ưu tiên thu hút đầu tư; (ii Khuyến khích theo hoạt động: nên điều chỉnh mạnh, hướng vào khuyến khích thu hút FDI thực hiện các hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ và hoạt động đào tạo nghề. Đây là các hoạt động đòi hỏi hàm lượng vốn và tri hức, phục vụ cho thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, vì vậy các dự án có các hoạt động này nên được một vị trí ưu tiên trong chính sách; (iii) Khuyến khích theo sản phẩm: cần ưu tiên các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị bảo vệ môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều đầu vào trong nước, sản phẩm thâm dụng vốn và tri thức do ưu thế của khu vực FDI so với khu vực trong nước; và (iv) Khuyến khích theo năng lực nhà đầu tư: Để đạt được mục tiêu điều chỉnh chính sách FDI đặt ra thì rất cần thiết phải khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm chọn lọc nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư nào cũng chấp nhận. Việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cũng có nghĩa là thực hiện cơ chế đầu tư nước ngoài bền vững “hài hòa” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hai là, thực hiện nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.

  • Hỗ trợ về thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.
  • Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của DN trong nước nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp này tham gia vào mạng sản xuất của DN FDI: Rà soát các chính sách tài chính và phi tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện hành để điều chỉnh nhằm tăng khả năng hấp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại hơn; đáp ứng yêu cầu và mở ra cơ hội cho liên kết sản xuất với doanh nghiệp FDI. Xây dựng các trung tâm đào tạo kinh doanh và công nghệ cũng như các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ; xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và thực hiện các biện pháp ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ (vốn, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin công nghệ, tham gia triển lãm sản phẩm).
  • Nghiên cứu xây dựng tiêu chí “liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước” để xét dự án ưu tư thu hút FDI. Theo đó, các dự án có cam kết liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước sẽ được ưu tiên hơn. Mô hình liên kết ngang, trụ cột là các doanh nghiệp FDI quy mô lớn, sẽ tạo ra tác động lan tỏa (ví dụ thông qua các quy định về chuyển giao công nghệ, học hỏi lẫn nhau qua các hợp đồng mua bán...) và có tác dụng lôi cuốn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi tạo giá trị (cả tác động kéo và tác động đẩy).
  • Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Rà soát và đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, dạy nghề. Thay đổi mạnh chương trình đào tạo, đặc biệt ưu tiên cho các ngành được ưu tiên phát triển, tăng mạnh thời lượng thực hành. Khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp - viện, trường - cơ quan quản lý nhà nước) để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của DN. Liên kết chặt chẽ với các tổ chức và cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chương trình hỗ trợ người lao động đạt các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc tế. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tích cực vào quá trình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật.
PV