Công nghiệp Hưng Yên tiềm năng và triển vọng

Hưng Yên là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và nằm kề sát với thủ đô Hà Nội, vùng đất có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, đất đai phì nhiêu, con người cần cù, sáng tạo. Đây chín

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và XV cùng với những cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp - TTCN, làng nghề, công nghiệp Hưng Yên đã từng bước thích ứng với cơ chế mới, tiếp tục phát triển ổn định. Năm 2005, Hưng Yên có 18.890 cơ sở hoạt động SXCN, TTCN, bao gồm: 9 DNNN, 18.661 cơ sở NQD và 40 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành Công nghiệp Hưng Yên đã thu hút khoảng 95 nghìn lao động, chiếm hơn 17% tổng số lao động trong các lĩnh vực kinh tế của Tỉnh và đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 7.678 tỷ đồng (giá cố định năm 1994). Như vậy, sau 9 năm tái lập tỉnh, giá trị SXCN tăng gấp 21,6 lần (so với năm 1996).

Nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với những chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng, Hưng Yên đã nhanh chóng xây dựng được một mạng lưới công nghiệp đa ngành, với quy mô khác nhau, có nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tốc độ tăng trưởng về giá trị SXCN giai đoạn 1997 - 2000 bình quân đạt 60,35%/năm.

Giai đoạn 2001 - 2005, công nghiệp Hưng Yên tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giá trị SXCN tăng bình quân trên 26,7%/năm, giá trị gia tăng đạt gần 21%/năm. Tốc độ tăng trưởng của ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy, lắp ráp động cơ tuy chỉ đạt 21,3%/năm, nhưng giá trị sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng 47,62% tổng giá trị SXCN của Tỉnh. Nhóm ngành chế biến nông sản, thực phẩm đạt tốc độ tăng trưởng 31,8%/năm. Ngành dệt may, da giầy là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (đạt 39,9%/năm), thu hút gần 60% lao động trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Tỉnh.

Cùng với sự phát triển của sản xuất công nghiệp tập trung, Hưng Yên đã chú trọng khôi phục, phát triển TTCN và làng nghề, nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay toàn Tỉnh đã khôi phục và phát triển 60 làng nghề truyền thống và nghề mới như: Gốm sứ, dệt may, thêu ren, chạm bạc, đồ mộc dân dụng, ươm tơ kéo kén, cơ khí sửa chữa nhỏ...

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, Hưng Yên tập trung đầu tư xây dựng các KCN tập trung, cụm CN làng nghề; ban hành cơ chế thông thoáng, thuận lợi, đơn giản trong thủ tục đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch 14 KCN tập trung trong đó có 2 KCN đã được Chính phủ phê duyệt là KCN Phố Nối A rộng 410 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư Hoà Phát là chủ đầu tư và KCN Phố Nối B rộng 95 ha do Tập đoàn Dệt may xây dựng. Đến nay, 2 KCN này đã thu hút được hơn 400 dự án của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, trong đó có 160 dự án đã đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9000, HACCP, SA... có nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Giá trị xuất khẩu toàn ngành chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, với mức tăng trưởng trên 15%/năm, trong đó có một số mặt hàng có tỷ trọng kim ngạch lớn, tốc độ tăng trưởng cao là: May mặc (141,2 triệu USD, tăng 25,41%); Giầy dép (33,1 triệu USD, tăng 23,89%)... Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh tăng nhanh, năm 2000 là 40 triệu USD và năm 2005 đã tăng lên 230 triệu USD.

Sự tăng trưởng cao và ổn định của sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách cho Tỉnh. Năm 2005, Hưng Yên trở thành tỉnh có số thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng (Công nghiệp đóng góp khoảng 70%). Sự phát triển của Công nghiệp là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH, HĐH. Nếu năm 1997 cơ cấu  kinh tế của Tỉnh theo các lĩnh vực: Nông nghiệp thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 51,87% - 20,26% - 27,87% thì đến năm 2000 là 41,47% - 27,77% - 30,76% và năm 2005 là 30,5% - 38% - 31,5%.

Mục tiêu đến năm 2010, Hưng Yên phấn đấu đạt giá trị SXCN tăng bình quân 25%/năm, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu của Tỉnh theo hướng công nghiệp dịch vụ, trong đó công nghiệp xây dựng là 47%, nông nghiệp là 20%, dịch vụ 33%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18,6 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17%/ năm, (đạt trên 450 triệu USD); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thu nội địa từ 1.800 - 2.000 tỷ đồng.

Để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao, bền vững, ngành Công nghiệp Hưng Yên đã định hướng và đề ra các giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới là:

Công nghiệp vẫn được chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành, sản phẩm, vùng và thành phần kinh tế, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, cơ khí, luyện thép, ô tô, xe máy, dệt may, chế biến,... Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án lớn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; tích cực huy động các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xúc tiến đầu tư nước ngoài. Phấn đấu 5 năm tới, Hưng Yên thu hút được hơn 300 dự án, với số vốn đăng ký khoảng 1.240 triệu USD. Đến năm 2010, tổng số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn dự kiến đạt khoảng 750 dự án (có 630 dự án trong nước và 120 dự án nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.460 triệu USD.

Khẩn trương rà soát và sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển làng nghề... bảo đảm sự đồng bộ và gắn kết với quy hoạch vùng và các quy hoạch sử dụng đất đai, giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch phát triển nông thôn... Các ngành, các cấp cần cụ thể hoá quy hoạch được duyệt bằng kế hoạch, đầu tư vốn, khoa học công nghệ, thị trường... để phát triển sản xuất thích ứng nhanh với quá trình hội nhập quốc tế, trong đó cần quan tâm đến các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp.

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu, củng cố và mở rộng thị trường; đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường; tìm kiếm thông tin, thị trường, điều tiết hoạt động. Sự chỉ đạo phối hợp của các cấp các ngành, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và dịch vụ phát triển công nghiệp.

Tăng cường đầu tư để đào tạo đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và công nhân lành nghề, đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển công nghiệp. Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp phụ trợ, đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp.

  • Tags: