Tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp - động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình đó đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế – x

Đóng góp vào sự thành công đó có vai trò quan trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đóng góp vào GDP của nền kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã tăng từ 60,1% (năm 1996) lên 61,7% (năm 2002); tương ứng với nó là khu vực kinh tế nhà nước đã giảm từ 39,9% xuống còn 38,3%. Sự sụt giảm của khu vực kinh tế nhà nước trong đóng góp vào GDP được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực nông nghiệp, từ 1,3% (năm 1996) giảm xuống chỉ còn 0,9% (năm 2002) trong tổng số đóng góp vào GDP của lĩnh vực nông nghiệp tại các thời điểm tương ứng là 27,8% (năm 1996) và 23,0% (năm 2002).
Trong lĩnh vực công nghiệp, đóng góp vào GDP toàn quốc đã tăng từ 29,7% (năm 1996) lên 38,5% (năm 2002) và 41,1% (năm 2004). Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã có đóng góp tăng từ 15,3% (năm 1996) lên 21,4% (năm 2002).
Những năm gần đây, theo niên giám thống kê 2003, trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc, khu vực ngoài nhà nước đã có bước tăng trưởng quan trọng, tỷ trọng đã tăng từ 58,20% (năm 2000) lên 60,91% (năm 2003), đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có bước phát triển khá, tỷ trọng đã tăng từ 22,26% (năm 2000) lên 24,87% (năm 2003). Trong khi đó, khu vực nhà nước, tỷ trọng đã giảm từ 41,80% (năm 2000) xuống còn 39,09% (năm 2003)
Trong lĩnh vực dịch vụ, mặc dù đóng góp vào GDP của cả nước của khu vực này có giảm từ 42,5% (năm 1996) xuống còn 38,5% (năm 2002), song, đó là sự sụt giảm của khu vực kinh tế nhà nước, trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân vẫn duy trì ở mức trên 18% đóng góp vào GDP.
Những con số trên cho thấy, bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã và đang có vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp thuộc 2 khu vực kinh tế này đang có nhiều sự khác biệt, mà chính những sự khác biệt đó đã tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Cụ thể là:
1. Về mục đích hoạt động kinh doanh.
Trong khi ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, mục đích kinh doanh là nhằm tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích của chủ doanh nghiệp gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, thì ở khu vực kinh tế nhà nước vẫn còn nhiều lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó bị chi phối bởi cả hai mục đích, đó là hoạt động vừa mang tính chất kinh tế, vừa mang tính chất xã hội. Chính sự không rõ ràng trong mục tiêu kinh doanh đã chi phối mạnh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thêm vào đó, quyền lợi và nghĩa vụ của người đứng đầu các DNNN chưa thực sự gắn tương xứng với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (làm lãi được thưởng và làm lỗ bị phạt) nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp ở khu vực này phát triển mạnh tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.
2. Về lĩnh vực kinh doanh.
Trong khi doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước được quyền kinh doanh ở tất các lĩnh vực, thậm chí được độc quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực (mà thực chất có lĩnh vực không cần phải có độc quyền nhà nước) thì doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ được kinh doanh ở những lĩnh vực nhà nước không cấm và đặc biệt là không có được sự độc quyền trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Điều đó đã tạo cơ hội cho một số DNNN biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra những tiêu cực không đáng có, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
 Hiện tại, hầu hết các lĩnh vực công ích đều do các DNNN đảm nhận, chỉ có rất ít doanh nghiệp ngoài nhà nước được tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, mà thực ra, một số lĩnh vực, nếu giao cho khu vực tư nhân đảm nhiệm thì sẽ hiệu quả hơn như các lĩnh vực thu gom rác, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch... mà một số địa phương đã triển khai thành công.
3. Về môi trường kinh doanh.
- Trong khi các DNNN thường là đối tác chính trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, thậm chí thường được các cơ quan quản lý nhà nước chọn chỉ định thầu trong nhiều dự án lớn và được thường xuyên tư vấn, định hướng, cung cấp thông tin cho đầu tư phát triển, hỗ trợ cho nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ..., thì các doanh nghiệp ngoài nhà nước ít được hưởng, thậm chí không được hưởng những ưu đãi đó.
- Doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước thường có mặt bằng sản xuất – kinh doanh rộng rãi, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn có thừa đất đai, nhà xưởng để cho thuê, thì hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước qui mô nhỏ, thường có mặt bằng sản xuất chật hẹp và đều rất khó khăn trong việc xin cấp đất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh mới.
- Trong lĩnh vực tài chính và tín dụng: Các DNNN đều được Nhà nước cấp vốn ban đầu, và có thể còn được cấp vốn bổ sung; Dễ dàng được Nhà nước bảo lãnh vay vốn, thủ tục vay đơn giản (không cần thế chấp). Nhiều doanh nghiệp của khu vực nhà nước còn được khoanh nợ, xóa nợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh... thì doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không được hưởng những ưu đãi này, kể cả các DNNN sau khi được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thì những ưu đãi đó sẽ bị cắt ngay.
- Các chính sách thuế, về danh nghĩa không có sự phân biệt đối xử giữa 2 loại hình DNNN và DN ngoài nhà nước, song thực tế lại hoàn toàn khác. Trong khi các DNNN bị kiểm tra giám sát chặt chẽ về hạch toán, về thực hiện các nghĩa vụ thuế, thì các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước lại được hưởng một chế độ quản lý lỏng lẻo, giám sát thiếu chặt chẽ. Không ít doanh nghiệp được hưởng chế độ khoán thuế (mà thường thấp hơn mức thực phải nộp, nếu giám sát chặt chẽ), trốn lậu thuế là hiện tượng xảy ra cũng không phải là hiếm ở khu vực này.
- Trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới công nghệ, mặc dầu sử dụng các nguồn tín dụng thương mại, song các DNNN vẫn thường gặp khó khăn về thủ tục trong khâu thẩm định, xét duyệt dự án, kể cả việc thanh lý các tài sản không còn hữu ích, trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại hoàn toàn chủ động trong lĩnh vực này. Điều đó cũng giải thích lý do vì sao tốc độ đổi mới công nghệ ở khu vực ngài nhà nước thường cao hơn khu vực DNNN.
- Vấn đề sử dụng và quản lý lao động cũng có nhiều sự khác biệt. Trong khi ở các DNNN, chế độ tuyển dụng, lương bổng, thủ tục và điều kiện cho thôi việc được thực hiện qua các trình tự rất phức tạp; chế độ bảo hiểm đối với người lao buộc phải thực hiện nghiêm túc, thì ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các nội dung này thường được thực hiện nhanh gọn, đơn giản và chủ doanh nghiệp thường cố tình bỏ qua việc thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động mà ít bị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, kiểm tra.
Tất cả những sự khác biệt về cơ chế chính sách và việc thực thi các chính sách như đã nêu ở trên đã tạo cơ hội cho việc nảy sinh các tiêu cực theo cơ chế “xin-cho” và tạo ra một môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng một thành phần kinh tế và giữa các thành phần kinh tế với nhau.
Để từng bước khắc phục những bất hợp lý này, xin kiến nghị một số giải pháp sau:
- Trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau là, trong nền kinh tế chuyển đổi, tồn tại sự khác biệt kể trên giữa 2 hệ thống doanh nghiệp là một tất yếu, và những sự khác biệt đó chủ yếu là ở khâu thực hiện các cơ chế chính sách. Tuy nhiên, vì hậu quả của các sự khác biệt, mà cần phải nhanh chóng xóa bỏ sự khác biệt này. Trước hết, cần nhận thức một cách đầy đủ và khoa học về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cần được thể hiện ở một số lĩnh vực trọng yếu đối với nền kinh tế quốc dân chứ không phải đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, các ngành kinh tế. Vai trò của kinh tế tư nhân trong nước cũng cần phải được nhận thức một cách đầy đủ hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Khi vai trò của các thành phần kinh tế được xác định một cách đúng đắn thì các bất hợp lý trong chính sách cần được xóa bỏ triệt để.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xóa bỏ chức năng quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật của các tổng công ty nhà nước, vì tình trạng này dễ dẫn đến độc quyền của các DNNN.
Hạn chế bớt các lĩnh vực mà một số DNNN được độc quyền kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực đó để tạo nên sự cạnh tranh cùng phát triển.
- Tiếp tục đổi mới DNNN theo tinh thần NQTW3 và NQTW9 khoá IX. Trong quá trình sắp xếp lại các DNNN, một bộ phận doanh nghiệp sẽ cần tiếp tục hoạt động theo luật DNNN. Do vậy, cần tiếp tục mở rộng quyền tự chủ của các DNNN, các cơ quan quản lý của Nhà nước cần giảm bớt và tiến tới chấm dứt sự can thiệp vào các hoạt động tác nghiệp của doanh nghiệp. Xóa bỏ chế độ chủ quản (Sở, Bộ) đối với các DNNN, để các DNNN hoạt động theo luật và các cơ quan quản lý sẽ quản lý DNNN theo luật.
- Tăng cường quản lý bằng pháp luật đối với các DN ngoài nhà nước. Như trên đã nói, bên cạnh một số bất lợi thế so với các DNNN ở một số lĩnh vực như phạm vi kinh doanh, vay tín dụng, tiếp cận thông tin..., các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại có nhiều lợi thế đặc biệt khác, tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh với các DNNN. Sự bất hợp lý này chủ yếu diễn ra trong khâu triển khai thực hiện các chính sách. Chính vì vậy, cần làm trong sạch và lành mạnh hóa đội ngũ công chức thực thi các chức năng quản lý đối với khu vực doanh nghiệp này.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế đang là một đòi hỏi khách quan bức xúc hiện nay. Trong những năm vừa qua, sự bất bình đẳng giữa các hệ thống doanh nghiệp đã từng bước được xóa bỏ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập đang cản trở sự phát triển lành mạnh của các hệ thống doanh nghiệp này. Chúng ta hy vọng, những người làm cơ chế chính sách ở cả trung ương và địa phương sẽ nhanh chóng khắc phục những bất cập kể trên để tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.q

  • Tags: