Để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 đến 13,02 triệu Kcal, trong khi mức sử dụng của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal; luyện thép từ thép phế liệu nước ta cần 2,82 triệu Kcal, trong khi thế giới chỉ cần 2 triệu Kcal. Tính trung bình, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 - 1,7 lần các nước phát triển trên thế giới. Theo tính toán, đến khoảng năm 2020, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tiếp tục tăng từ 15- 20% mỗi năm. Như vậy, nếu không khắc phục tình trạng lãng phí này, chỉ trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu hụt điện năng trầm trọng.
Theo một tính toán khác, với tốc độ gia tăng khai thác năng lượng như hiện nay, các mỏ dầu và khí đốt của nước ta cũng sẽ cạn kiệt trong vòng 40 - 60 năm tới… Dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm 2010, 2020 và 2025 của Việt Nam lần lượt là 47,63; 83,99 và 97,3 triệu TOE* (tấn dầu quy đổi). Từ một nước xuất khẩu than, Việt Nam sắp tới sẽ phải nhập khẩu than với số lượng lớn để sản xuất điện… Chúng ta thường có những dự báo như trên và do dự báo nên nhiều chuyên gia không đồng tình với những con số đưa ra về “độ” chính xác. Nhưng dù thế nào, thì vấn đề an ninh năng lượng là bài toán khó cho tất cả các nước, không chỉ riêng Việt Nam, vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cấp thiết.
Như vậy, an ninh năng lượng ở nước ta đang là vấn đề đáng báo động. Mục tiêu của Việt Nam là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, cuối năm 2008, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTKHQ). Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (10/2009) và biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 7 (5/2010).
Nguyên nhân chậm tiến độ thi công các công trình về điện.
Theo các chủ đầu tư, tổng thầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam... cho thấy, tiến độ tại một số dự án nguồn điện hiện đang gặp nhiều khó khăn. Năm nay, khoảng 1.415 MW tại các dự án Plei Krông, A Vương, Ba Hạ, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, Nhơn Trạch và Hải Phòng vào chậm so với tiến độ quy định trong Quy hoạch điện VI. Các dự án nguồn điện đưa vào vận hành năm 2009 - 2010 cũng có khả năng chậm từ 6 tháng đến 1 năm, cá biệt có công trình còn chậm 2 năm (Nhiệt điện Mạo Khê, Vũng Áng I). Bên cạnh đó, việc xây dựng một số công trình lưới điện cũng gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng thi công. Một số dự án điện đầu tư theo hình thức BOT, IPP cũng có nhiều khó khăn trong các bước triển khai, nguồn tín dụng...
Nguyên nhân nào dẫn đến việc chậm tiến độ thi công các công trình về điện? Do thiếu vốn, do chọn thầu hay đấu thầu có vấn đề, hay do tốc độ tăng trưởng phụ tải vượt quá mức dự báo và các tổng sơ đồ điện công trình nguồn điện chậm tiến độ đưa vào sử dụng? Nhiều người lại cho rằng, nguyên nhân cơ bản là việc xây dựng tổng sơ đồ điện đã không tính đến dự phòng cho công trình điện vào chậm.
Có lẽ tất cả các nguyên nhân trên đều có phần đúng, nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân có lẽ là do công tác dự báo có vấn đề, hoặc chúng ta chưa “đủ” sức để làm cái việc mà không thể làm được? Do đó, có ý kiến cho rằng, những năm qua, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt các Tổng sơ đồ V, VI gối đầu cho cả giai đoạn 10 năm tiếp theo, nhưng trên thực tế, do nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, các tổng sơ đồ đều bị phá vỡ tiến độ thực hiện, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải lại cao hơn dự báo. Một chuyên gia về năng lượng ước tính, một tổng sơ đồ chỉ xây dựng trong 5 năm thì không thể đáp ứng được nhu cầu điện 5 năm. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch, cơ chế... đòi hỏi phải có một bộ đầu não cần thiết thì lại đang thiếu.
Mặt khác, nhiều người lên án ngành Điện do “độc quyền” nên không mua điện theo giá của nhà đầu tư. Thật không thể hiểu nổi, trong cơ chế thị trường ai cũng cần lợi nhuận và không ai lại làm “từ thiện” để mua giá điện cao của các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất điện. Có một thực tế đã và đang diễn ra, khi thiếu điện, các nhà đầu tư yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải mua điện với giá cao, đương nhiên, EVN phải chọn đối tác có giá điện thấp để phục vụ nhu cầu, vì cứ mua điện giá cao để phải bù lỗ thì chắc chắn không một doanh nghiệp nào chịu nổi. Liên quan đến vấn đề mua bán điện cũng nảy sinh bất cập. Đã có ý kiến của nhà đầu tư cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mua điện của họ, hoặc đã ký hợp đồng cung cấp nhưng không thực hiện theo cam kết, thường ép họ hạ giá thành 01 kWh điện. Đấy là nói cho được, bởi thiếu điện do thời tiết nắng nóng kéo dài thì EVN phải mua là lẽ đương nhiên, nhưng các nhà máy thuỷ điện trong ngành Điện lực đang thừa nước để phát điện thì làm sao EVN lại cứ phải mua điện bên ngoài giá cao, để rồi phải bù lỗ, trong khi điện năng là thứ hàng hoá không thể để tồn kho được. Các nhà đầu tư sao không tự hỏi: Tại sao mình sản xuất điện giá cao và tại sao giá cao lại đòi hỏi ngành Điện phải mua để lại phần thiệt cho người tiêu dùng?
Đây cũng là bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét lại việc cấp phép đầu tư ồ ạt vào các dự án điện (nhất là dự án thuỷ điện), thậm chí còn tạo cơ chế cho các tập đoàn kinh tế “tự do” đầu tư vào nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình, nên khi gặp khó khăn là lúng túng, có khi lãi chẳng thấy đâu mà “lỗ” là sự thật, dẫn đến một thị trường điện lộn xộn, khó kiểm soát.
Làm thế nào để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Các nhà quản lý tính toán (theo kiểu “giá mà”), nếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà tiết kiệm năng lượng khoảng 20% thì làm lợi khoảng 1,9 triệu tấn dầu, tương đương 25 ngàn tỉ đồng/năm (theo giá dầu trong nước hiện nay). Tiết kiệm năng lượng trong các cao ốc được ước tính chỉ từ 30% - 35%... Nhưng do thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, cùng với trình độ lạc hậu của công nghệ, dẫn đến việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam kém hiệu quả. Và nhiều người cho rằng, nguyên nhân do chưa có khung pháp lý cần thiết và mong Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý mới để kiểm soát việc sử dụng năng lượng. Thật ra, chưa phải đã đúng.
Năng lượng chiếu sáng công cộng là một đòi hỏi và thách thức với các đô thị lớn trong thời điểm nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt. Ở nước ta hiện nay, điện dùng cho sinh hoạt chiếm 41,7% (2005), tỷ lệ cao này là yếu tố chính gây mất cân đối của hệ thống điện trong giờ cao điểm. Theo một tài liệu khoa học, trong phạm vi toàn cầu, chiếu sáng đường phố thường chiếm 10%, chiếu sáng dân dụng chiếm 26%. Hơn thế nữa, hao phí điện năng trong dân dụng ở nước ta hiện nay quá lớn.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006-2010) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-4-2006. Các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thực hiện, có sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), đang triển khai Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam. Nhưng hiệu quả của Chương trình này là bao nhiêu, khó có ai trả lời chính xác được.
Cho nên, muốn thực hiện thành công Chương trình trên, đòi hỏi nghiên cứu, ứng dụng một loạt nhóm giải pháp, như tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng; đẩy mạnh giáo dục, truyền thông, vận động nhân dân cùng tham gia; phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng hợp lý trong sản xuất, tại các tòa nhà, trong giao thông vận tải...
Một vấn đề mà ít người quan tâm khi đề ra những giải pháp tiết kiệm điện, đó là, đã có nhiều giải pháp lớn về khoa học, quản lý, tổ chức... được nghiên cứu, triển khai đồng bộ, nhưng lại thiếu các biện pháp làm chuyển biến nhận thức, tập quán sinh hoạt về sử dụng điện của nhân dân. Đây là vấn đề lớn, nhưng lại bị bỏ qua trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả trong nhiều luật.
Cuối cùng có thể kết luận, an ninh năng lượng ở nước ta là đáng báo động và cần thiết phải sớm có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng để Luật này vào được cuộc sống, thì còn nhiều điều kiện tiên quyết kèm theo, trước khi Luật được trình Quốc hội và ban hành.