Cam kết ODA của Nhật cho Việt Nam vay trong năm 2011 đạt hơn 145 tỷ Yên, tương đương 1,76 tỷ USD. Mức này đã vượt mức cam kết của năm tài khóa 2009 và là mức cao kỷ lục kể từ năm 1992 khi Nhật Bản bắt đầu hỗ trợ ODA cho Việt Nam.
Trong năm tài khóa 2010 (kết thúc ngày 31-3-2011), vốn vay của Nhật Bản cam kết cho Việt Nam lên tới hơn 86,5 tỷ Yên, tương đương 1 tỷ 41 triệu USD dành cho 6 dự án. Ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, các công trình mới được cam kết trong năm tài khóa 2010 đều là những công trình phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, có mức ưu tiên và tính cấp bách cao.
Vào tháng 5 và tháng 6-2010, ba dự án đã được ký kết. Sáng 24-1, ba dự án lớn, trị giá 58,18 tỷ Yên, tương đương hơn 700 triệu USD vừa được ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam và ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính ký kết Hiệp định.
Ba dự án lớn là dự án xây dựng cầu Nhật Tân với trị giá hơn 24 tỷ Yên (299 triệu USD), dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II với trị giá 29,8 tỷ Yên (360 triệu USD) và Chương trình tín dụng hỗ trợ xóa đói giảm nghèo lần thứ 9 với trị giá 3,5 tỷ Yên (42,1 triệu USD).
Ông Tsuno Motonori cho biết, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng đi vào thành phố, cùng với hệ thống đường dẫn và các công trình phụ trợ khác như là một phần của hệ thống vành đai 2 của TP Hà Nội. Cầu được biết đến như cây cầu hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2013, cùng với tuyến đường nối từ sân bay Nội Bài, tạo một diện mạo mới cho cửa ngõ quốc tế của Hà Nội. Đây cũng là dự án có ân hạn và mức lãi suất ưu đãi nhất 0,2%/năm.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II được xây dựng từ tháng 7-2010 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 2-2014. Nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu đốt than công nghệ ngưng hơi truyền thống với công suất 600 MW sẽ được xây dựng tại khu kinh tế Nghi Sơn cùng với các thiết bị phụ trợ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng của khu vực phía bắc.
Trong khuôn khổ Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo lần thứ 9, hỗ trợ tài chính sẽ nhằm vào các cải cách đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện, đặc biệt là: lĩnh vực đầu tư trong cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý tài chính công, cải cách ngành tài chính và các công ty nhà nước, quá trình lập kế hoạch, quản lý môi trường và chống tham nhũng. Chương trình Tín dụng giảm nghèo lần thứ 9 dự kiến kết thúc tháng 12-2011.
Ông Tsuno Motonori khẳng định: “Trong chính sách hỗ trợ cho châu Á và chiến lược phát triển của chính phủ Nhật, Việt Nam được xác định là một trong những nước quan trọng nhất”.
Trong Bản tuyên bố chung sau Cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 10 năm ngoái khi Thủ tướng Nhật đến Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng đã thống nhất phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Nhật giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, đồng thời thúc đẩy khai thác đất hiếm là minh chứng cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thứ hai nhận được nhiều vốn vay từ Nhật Bản. Đứng thứ nhất là Ấn Độ với mức vay 200 tỷ Yên/năm.
Đến cuối tháng 3-2011, ba hiệp định vốn vay ODA của Nhật bản với mức vốn khoảng 61,9 tỷ Yên cũng sẽ được ký kết. Đó là các dự án xây dựng cảng Lạch Huyện, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đoạn TP Hồ Chí Minh - Dầu Giây.
Trong năm 2011, các dự án có vốn hỗ trợ của Nhật Bản sẽ bắt đầu mô hình hợp tác công tư, nghĩa là bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân của hai nước tham gia vào các dự án. Trong đó, dự án cảng Lạch Huyện hiện có ba doanh nghiệp Nhật Bản và một doanh nghiệp Việt Nam cùng liên doanh thực hiện.
Tại cuộc họp báo, ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, việc Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình cũng có nghĩa là có năng lực vay lớn hơn. JICA sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vốn vay ODA cho Việt Nam, đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều thách thức mới đặt ra khi thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam, đó là việc mất quá nhiều thời gian để hoàn thành công trình, mà chủ yếu nguyên nhân do sự chậm trễ giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến thi công công trình.
Ông Tsuno Motonori khuyến nghị, Việt Nam là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì thế, cần đơn giản hóa thủ tục và cơ cấu bộ máy sẽ giúp cho việc thực hiện các dự án được đúng tiến độ và hiệu quả. Ngoài ra, các dự án cần cho người dân biết, để đạt sự đồng thuận của người dân.
Công bố vốn ODA Nhật Bản cho Việt Nam năm 2011
TCCT
Ngày 24-1, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam họp báo công bố tổng vốn vay ODA hỗ trợ Việt Nam và những dự án nhận được vốn ODA của Nhật Bản trong năm 2011. Trong đó có ba dự án lớn